Ngày 12/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Chương trình được xây dựng với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh. Chương trình sẽ giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động của kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong các văn bản hiện hành. Từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Theo Chương trình, mục tiêu trong giai đoạn 2020 – 2025 là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định. Ngoài ra, sẽ cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến ngày 31/5/2020 được các bộ, ngành, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020). Đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

Chương trình cũng hướng tới kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định của chính phủ. Ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Cùng với việc quy định cụ thể về phạm vi thực hiện, Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 cũng nêu rõ các nhiệm vụ cơ bản, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện.

Trong đó, Chương trình xác định năm 2020 tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm làm tiền đề cho các năm tiếp theo như: Xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm thống kê, rà soát quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Tập huấn, nâng cao năng lực cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện thống kê, tính chi phí tuân thủ, rà soát, đánh giá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Cập nhật đầy đủ dữ liệu và tính chi phí tuân thủ các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng của các bộ, cơ quan ngang bộ trên tất cả các lĩnh vực vào phần mềm thống kê, rà soát. 

Đồng thời, rà soát và kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trong đó ưu tiên nhóm quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2020 được ban hành kèm theo Chương trình cũng đưa ra các mốc thời gian hoàn thành và kết quả cần đạt được của các nhiệm vụ.

Theo đó, trong tháng 5/2020, Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng, đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm thống kê, rà soát quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; biên soạn tài liệu hướng dẫn các bộ, ngành  triển khai thống kê, tính chi phí tuân thủ, rà soát, đánh giá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Trong tháng 6/2020, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về điều kiện kinh doanh để hỗ trợ các bộ, cơ quan trong việc thống kê, cập nhật, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh sẽ được hoàn thành. Tháng 6/2020 cũng là thời gian tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các bộ, ngành thực hiện thống kê, tính chi phí tuân thủ, rà soát, đánh giá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử, phát biểu tại hội nghị giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp ngày 9/5/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, công tác này thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực.

Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức theo hướng toàn diện, thực chất hơn. Nhiều bộ, cơ quan đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phân định đầu mối kiểm tra chuyên ngành, giảm chồng chéo về thẩm quyền. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.