Triển lãm Thế giới số lần đầu được tổ chức trực tuyến

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại họp báo công bố Hội nghị và Triển lãm Thế giới số.

Tại buổi họp báo công bố về Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) 2020 do Bộ TT&TT tổ chức chiều nay (25/9), Thứ trưởng Phan Tâm cho biết ngày 21/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương để Bộ TT&TT phối hợp với Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) tổ chức sự kiện theo hình thức trực tuyến. Triển lãm có quy mô toàn cầu này sẽ được tổ chức vào ngày 20 – 22/10 tới.

Cùng với các thông tin sự kiện, tại buổi họp báo, Bộ TT&TT cũng ra mắt cổng đăng ký, cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đăng ký tham gia Hội nghị Bộ trưởng, diễn đàn chuyên đề và mở các gian triển lãm trên nền tảng số.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định "Triển lãm Thế giới số năm nay là sự kiện hết sức độc đáo", được đổi tên từ Triển lãm Viễn thông thế giới thành Triển lãm Thế giới số, mở rộng cả về quy mô và nội hàm so với các kỳ triển lãm trước đó. Nếu trước đây sự kiện chỉ giới hạn của cộng đồng viễn thông thì nay sẽ được mở rộng, mời gọi sự tham gia đóng góp của cộng đồng CNTT và doanh nghiệp công nghệ số.

Điểm độc đáo thứ hai mà Thứ trưởng nhắc đến là lần đầu tiên Triển lãm được tổ chức trực tuyến, từ sáng kiến của Việt Nam. Sáng kiến này được ITU cũng như các nước thành viên ủng hộ, đánh giá cao. Ngoài ra, chuỗi sự kiện sẽ được tổ chức trên nền tảng công nghệ "Make in Vietnam".

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, do được tổ chức trực tuyến, các doanh nghiệp có thời gian dài hơn để giao lưu tiếp xúc, giới thiệu về sản phẩm dịch vụ cũng như xúc tiến về đầu tư thương mại. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch Covid – 19 khiến việc đi lại, giao thương bị hạn chế. Việc đăng cai tổ chức sự kiện không chỉ nâng tầm vị trí của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế mà còn tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực Viễn thông, CNTT có điều kiện thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, sớm phục hồi sản xuất kinh tế và tạo đà cho các phương thức kinh doanh mới.

Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, ITU Digital World 2020 là chuỗi sự kiện bao gồm Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên ITU, các hội thảo chuyên đề gắn với việc phát triển thế giới số và triển lãm số và Triển lãm trực tuyến.

Theo đó, Triển lãm Thế giới số được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện bao gồm các gian hàng trực tuyến giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và giải pháp số của doanh nghiệp từ các nước và những gian hàng quốc gia giới thiệu về thành tựu số. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp lớn từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đăng ký tham gia gian hàng. Các gian hàng được trưng bày trên cả 3D và 2D với giao diện trực quan, sinh động.

Thay vì sẽ kết thúc ngay sau sự kiện, các gian hàng ảo này được lưu giữ và kéo dài khoảng 1 tháng để các cơ quan, tổ chức và cá nhân quan tâm có thể thăm quan, tìm hiểu các sản phẩm và dịch vụ số tiên tiến nhất.

Các phiên trong Hội nghị Bộ trưởng sẽ tập trung thảo luận quanh chủ đề như: hoạch định chiến lược số trong và sau Covid-19 và định hướng cho quan hệ hợp tác giữa ITU với các quốc gia thành viên trong triển khai chương trình chuyển đổi số. Trong khi đó, các hội nghị chuyên đề trong sự kiện năm nay sẽ tập trung vào 3 nhóm chủ đề lớn là kết nối, chuyển đối số và phát triển bền vững. 

Sự kiện được tổ chức với quy mô toàn cầu và có sự tham gia đồng thời trên khắp các châu lục. Do đó, Việt Nam và ITU đã thống nhất về thời gian tổ chức thuận lợi nhất. Cụ thể, mỗi ngày các sự kiện hội nghị và diễn đàn sẽ kéo dài trong 3 giờ đồng hồ, từ 11 – 14 giờ GMT (tức là 18 – 21 giờ tối theo giờ Việt Nam).

Cơ hội để quảng bá nền tảng "Make in Vietnam"

{keywords}
Toàn cảnh họp báo

Chia sẻ về nền tảng được Việt Nam phát triển cho sự kiện Triển lãm Thế giới số 2020, đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết: Để tổ chức một sự kiện quy mô toàn cầu dưới hình thức trực tuyến là công việc khó. Toàn bộ các khâu chuẩn bị như đăng ký, kiểm soát và tiếp đón, giới thiệu, trao đổi thảo luận đều được đưa lên môi trường số. Theo nghiên cứu, trên thế giới chưa có một hệ thống giải pháp nào đáp ứng được.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, sẽ còn nhiều sự kiện khác cũng phải đưa lên trực tuyến. Do đó, việc xây dựng một nền tảng không chỉ phục vụ cho sự kiện này mà còn để các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng để tổ chức hội nghị của riêng mình là rất cần thiết. Đại diện Cục Tin học hóa nhận định: “Đây là cơ hội tốt nhất để giới thiệu nền tảng "Make in Vietnam" đến các doanh nghiệp trên toàn thế giới”.

Về phía mình, đại diện Tập đoàn Viettel cũng chia sẻ, lần đầu tiên một nền tảng "Make in Vietnam" có thể tích hợp toàn bộ gian hàng triển lãm cũng như các phiên họp Bộ trưởng và phiên họp chuyên đề. Điểm độc đáo của nền tảng này là phần tùy biến với những gian hàng ở triển lãm. Các thành phần tham dự hoàn toàn có thể tùy biến gian hàng 2D, 3D và thiết kế riêng cũng như trình bày sản phẩm.

Ngoài ra, do sự kiện có quy mô toàn cầu, Viettel cũng chuẩn bị năng lực của hệ thống có thể đáp ứng lưu lượng truy cập lớn. Đồng thời, lập nhiều phương án để đảm bảo chất lượng hạ tầng số phục vụ cho sự kiện.

Duy Vũ

Ứng dụng tối đa CNTT trong mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu

Ứng dụng tối đa CNTT trong mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu

Ứng dụng CNTT trong mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu mới nhằm mục tiêu giảm thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan.