Thông tin nêu trên vừa được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong nội dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV mới đây.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT sẽ khuyến nghị các địa phương khi làm đô thị thông minh cần tập trung vào một số vấn đề cấp thiết của địa phương mình và dùng công nghệ để xử lý những vấn đề cấp thiết đó (Ảnh minh họa: TK)

Trước lo ngại của một số đại biểu Quốc hội về việc các địa phương đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh có thể gây ra tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí ngân sách, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn đầu sẽ làm thí điểm trong một quy mô giới hạn và có thời hạn khoảng 1 năm, sau đó tổ chức đánh giá.

Trong tháng 11/2019 này, Bộ TT&TT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn về thí điểm xây dựng đô thị thông minh, đồng thời sẽ trực tiếp làm việc tại một số thành phố để làm mẫu. Và dự kiến đến giữa năm 2020, chúng ta sẽ có thể phát triển được trên diện rộng hơn.

Cũng theo người đứng đầu Bộ TT&TT, 3 điểm quan trọng sẽ được đề cập đến trong văn bản của Bộ TT&TT hướng dẫn việc triển khai thí điểm xây dựng đô thị thông minh là quản lý, điều hành tập trung; hạ tầng tập trung; và cơ sở dữ liệu tập trung.

Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng sẽ khuyến nghị các địa phương khi làm đô thị thông minh cần tập trung vào một số vấn đề cấp thiết của địa phương mình và dùng công nghệ để xử lý những vấn đề cấp thiết đó. Ví dụ, nếu có vấn đề tụ tập đông người vào ban đêm thì địa phương có thể dùng hệ thống camera.

Hay một số thành phố du lịch, muốn sạch sẽ thành phố như Huế thì có thể triển khai ứng dụng phản ánh hiện trường. Người dân có thể chụp ảnh những vấn đề bất cập ở hiện trường gửi về Trung tâm điều hành và Ủy ban nhân dân sẽ điều các quyền cơ quan xử lý hoặc những tỉnh có vấn đề ô nhiễm môi trường thì mình triển khai các sensor đo đạc.

Bộ TT&TT cũng dự định sẽ chọn một số tỉnh để làm mẫu về mô hình đô thị thông minh, tăng cường nguồn lực làm điểm tại 1 - 2 tỉnh để có kết quả tốt, từ đó nhân rộng ra. “Vừa qua, đã tổ chức cho các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở của hầu hết các tỉnh về Huế tham quan một mô hình đã triển khai tương đối có hiệu quả”, Bộ trưởng chia sẻ thêm.

Liên quan đến việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, trong trao đổi tại hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia” diễn ra hồi đầu tháng 10/2019, đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT và Bộ Xây dựng đều thống nhất rằng, xây dựng đô thị thông minh là nhu cầu tất yếu hiện nay để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ môi trường sống tiện ích, thân thiện và an toàn của người dân trong bối cảnh bùng nổ của các đô thị.

Thực tế đến nay trên cả nước đã có khoảng 30 địa phương phê duyệt và  triển khai các đề án, dự án về phát triển đô thị thông minh. Nhưng theo đánh giá của Bộ TT&TT, việc phát triển đô thị thông minh còn nhiều bất cập và lúng túng. Các bộ ngành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng và ban hành quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về đô thị thông minh và các địa phương cũng mới bước đầu triển khai một số ứng dụng và dịch vụ cơ bản cho đô thị thông minh.

Cũng tại hội thảo này, đại diện Bộ TT&TT đã đưa ra khuyến nghị, các địa phương cần có nhận thức đúng về đô thị thông minh, các điều kiện cần và đủ để từng bước xây dựng thành công đô thị thông minh tại địa phương, tránh đầu tư dàn trải, làm theo phong trào. Các địa phương cũng cần quán triệt nguyên tắc đầu tư, xây dựng hạ tầng nền tảng dùng chung, dữ liệu được chia sẻ, giám sát điều hành tập trung để bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Đồng thời, các địa phương nên căn cứ vào điều kiện và yêu cầu cụ thể của địa phương mình để lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu nhất cần ưu tiên triển khai khi xây dựng đô thị thông minh, tránh rập khuôn. Ví dụ như có địa phương thì ứng dụng đô thị thông minh cho văn hóa du lịch, có địa phương thì ứng dụng vào giao thông…