Ảnh minh họa: Xinhua

Nền tảng có tên “phát hiện tiếp xúc gần gũi”, sử dụng dữ liệu lớn (big data) dựa trên hành trình của mọi người và hồ sơ từ nhà chức trách để xem trong vòng 2 tuần, người dân có làm việc, sống hay di chuyển cùng một người nhiễm/nghi nghiễm virus Covid-19 không.

Người dân có thể truy cập nền tảng qua các ứng dụng di động phổ biến như Alipay, WeChat, QQ. Sau khi đăng ký bằng số điện thoại, họ cần khai tên, số chứng minh thư để ghi lại hoạt động của mình. Nền tảng đặc biệt chú ý đến các phương tiện giao thông công cộng, bao gồm tàu hỏa, máy bay, nơi hành khách phải cung cấp thông tin cá nhân khi đặt chỗ.

Bất kỳ hành khách nào ngồi trước/sau người nhiễm/nghi nhiễm virus 3 hàng ghế được xem là có nguy cơ bị nhiễm. Tiếp viên hàng không phục vụ trong cabin cũng được xem là tiếp xúc gần, trong khi những người khác được xem là tiếp xúc thông thường, theo Tân Hoa Xã.

Cơ sở dữ liệu của nền tảng chưa bao quát siêu thị, trung tâm mua sắm. Nền tảng ra đời dựa trên hợp tác giữa Quốc Vụ viện, Ủy ban Y tế quốc gia và Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc.

Covid-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, được phát hiện lần đầu tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019.  Tính đến ngày 13/2, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 1.355 người.

Mỗi người dùng đăng ký trên nền tảng có thể tra cứu tối đa 3 số chứng minh thư, mỗi số chỉ được kiểm tra 1 lần mỗi ngày. Trang thông tin của nền tảng cho biết có hơn 100 triệu lượt tra cứu từ khi ra mắt hôm 8/2.