Hệ thống mã màu QR là một trong các công cụ chống lây lan dịch bệnh tại Trung Quốc. Nó xác định người nào được phép đi những đâu hay phải tự cách ly tại nhà. Tuy nhiên, có lẽ ngay cả những người nghĩ ra công cụ quản lý này cũng không thể lường được những tác dụng khác.

Theo báo chí địa phương, tuần này, một người đàn ông họ Shi đã đến đồn công an tại Hàng Châu và nói muốn đầu thú. Bài báo cho biết khi hỏi về tội danh, Shi òa khóc và nói với cảnh sát đã chạy trốn sau khi giết một người cùng làng vào năm 1996.

Vì sao đã trốn chạy nhiều năm và bây giờ mới tự nộp mình? Hóa ra Shi không dùng smartphone, đồng nghĩa với người này không có mã y tế. Do không trình diện được mã y tế, Shi không thể đi lại tự do như trước và không có nơi để sống.

Mã y tế được tạo ra trong các tiểu chương trình nằm trong WeChat và Alipay, ứng dụng được gần như mọi người dùng smartphone Trung Quốc sử dụng. Mỗi người sẽ có mã màu riêng, gồm xanh lá cây, vàng và đỏ, tương ứng với rủi ro bị nhiễm virus. Người có màu vàng phải tự cách ly trong 7 ngày, còn màu đỏ là 14 ngày.

Kể từ khi ra mắt trên Alipay từ tháng 2, mã y tế hiện trở thành yêu cầu phổ biến cho mọi người trên cả nước nếu muốn đi vào các khu vực công cộng như trung tâm thương mại, nhà hàng, văn phòng, khu dân cư. Nó cũng được dùng nếu mọi người muốn đến các thành phố, huyện thị khác. Dù vậy, mã cũng không tránh khỏi sai sót.

Một số phàn nàn khi hết thời hạn cách ly, màu của họ vẫn chưa chuyển sang xanh. Các tỉnh khác nhau lại dùng mã y tế khác nhau nên gây ra bất tiện khi đi lại trong nước. Gần đây, Cơ quan điều tiết thị trường Trung Quốc đã công bố tiêu chuẩn kỹ thuật mới trên toàn quốc để hợp nhất các mã y tế.

Các mã này được tạo ra nhờ dữ liệu lớn và thông tin người dùng cung cấp, bao gồm lịch sử đi lại, tình trạng sức khỏe. Chúng liên kết với tên thật, số điện thoại và số căn cước công dân của mỗi người.