Năm 2020, giao dịch thanh toán điện tử của Trung Quốc cao gấp đôi tại Mỹ và chiếm 45% tất cả giao dịch kỹ thuật số toàn cầu. Năm 2022, hãng phân tích McKinsey ước tính 1/4 hàng hóa tại đây sẽ bán qua mạng. Để so sánh, người tiêu dùng Mỹ cũng đang tăng cường sử dụng thương mại điện tử, song còn thua xa Trung Quốc khi ước tính doanh số hàng tạp hóa trực tuyến chỉ chiếm 12% tổng thể vào năm 2022. Tại Trung Quốc, các hãng bán lẻ đã đạt tới độ vận chuyển gần như mọi hàng hóa trên toàn quốc trong chưa đầy 24 giờ.

Chính điều đó đã tạo ra cuộc cách mạng trong chuỗi cung ứng nông nghiệp trong nước.

Bỏ lại quá khứ bê bối an toàn thực phẩm

Nhiều năm trước, các bê bối an toàn thực phẩm của Trung Quốc nổi khắp các mặt báo phương Tây. Chẳng hạn, năm 2008, 300.000 em bé gặp vấn đề thận nghiêm trọng do uống phải sữa công thức nhiễm độc. Một năm trước đó, thành phần melanine tương tự - một chất hóa học gây ung thư – đã được tìm thấy trong thức ăn cho vật nuôi xuất khẩu sang Mỹ. Kể từ đó, các nhà chức trách Trung Quốc phải đóng cửa hàng ngàn cơ sở chế biến sữa nhỏ lẻ và đề ra các quy định nhằm khuyến khích thành lập các nhà máy chế biến sữa hiện đại quy mô lớn. Kết quả là các trang trại với đàn bò hơn 100 con nay chiếm 2/3 tổng đàn và sản xuất hơn 70% sữa, trong khi 3 nhà máy hàng đầu chiếm 50% sản lượng so với 25% tại Mỹ. Đây được đánh giá là quá trình hiện đại hóa chuỗi cung ứng nông nghiệp nhanh nhất từng có trên thế giới.

{keywords}
 

Xu hướng tương tự cũng diễn ra trong sản xuất ngũ cốc và chăn nuôi. Một lượng lớn vốn và công nghệ đã đang đổ vào các trang trại lợn, gà và cơ giới hóa trồng trọt đã cải thiện đáng kể sức khỏe vật nuôi và an toàn thực phẩm. Dù vậy, Trung Quốc vẫn còn rất nhiều nông dân đang hoạt động trên các thửa đất rất nhỏ. Năm 1980, 80% dân số nước này sống ở nông thôn. Năm 2020, tỉ lệ giảm xuống 37% nhưng vẫn tương ứng với khoảng 500 triệu người, trung bình mỗi người canh tác 1,6 mẫu đất. Nó thể hiện đặc biệt rõ trong lĩnh vực nông sản, nơi đất nông nghiệp trồng rau, quả chủ yếu thuộc về các trang trại gia đình.

Đối mặt với xu hướng đô thị hóa dần dần cách đây 100 năm, các quốc gia phương Tây  từ từ củng cố nguồn cung xoay quanh hoạt động của các trang trại lớn. Tại Mỹ, 2/3 nguồn cung đến từ California, nơi các trang trại khổng lồ áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm với độ chính xác cao. Tại châu Âu hoặc New Zealand, các trang trại gia đình nhỏ hơn đảm nhận phần lớn hoạt động canh tác nhưng thường tổ chức thành các hợp tác xã để đạt được hiệu quả kinh tế quy mô lớn, đồng thời kiểm soát chất lượng hiệu quả hơn.

Hệ sinh thái số rộng lớn trấn an người tiêu dùng

Nếu đô thị hóa ổn định ở mức 70% dân số, Trung Quốc vẫn còn 420 triệu nông dân. Trong bối cảnh đó, củng cố nguồn cung theo mô hình châu Âu sẽ nhanh chóng bộc lộ điểm yếu. Bên cạnh đó, trái ngược với Mỹ, nơi 5 chuỗi cung ứng bán lẻ lớn kiểm soát 3/4 doanh số hàng tạp hóa, các công ty bán lẻ chính tại Trung Quốc chỉ chiếm chưa tới 5%. Nhà bán lẻ Mỹ có động lực để xây dựng nền tảng thương mại điện tử riêng để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, nhà bán lẻ Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các nền tảng của bên thứ ba.

Trong bối cảnh đó, đâu là giải pháp để tiếp tục hiện đại hóa chuỗi cung ứng thực phẩm Trung Quốc. Câu trả lời là “mạng nhện” các nền tảng số đang cạnh tranh khốc liệt để mang thực phẩm đến trực tiếp người tiêu dùng trên quy mô chưa từng có.

Khách hàng trong nước luôn thận trọng trước các nguy cơ gắn liền với chuỗi cung ứng kéo dài. 10 năm trước, các bậc cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu bắt đầu thành lập các nhóm xoay quanh một người hàng xóm hoặc một phụ huynh cùng lớp để sắp xếp các chuyến hàng vận chuyển trực tiếp từ một nông dân đáng tin cậy cách thành phố vài giờ.

Dù vậy, các hệ sinh thái kỹ thuật số đã xây dựng cơ sở hạ tầng rộng lớn để phục vụ người tiêu dùng trong thập kỷ qua. Họ quyết định “xoay trục” sang cung cấp thực phẩm để cung cấp nhiều loại sản phẩm hơn. Mọi thứ dường như đang hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn, các dịch vụ giao thịt với hàng trăm triệu người mua hiện nay phục vụ cả hàng tạp hóa hay các món ăn sơ chế sẵn, trong khi các nhà phân phối sản phẩm gia dụng cũng bổ sung thực phẩm tươi sống trên nền tảng của mình.

Với quá nhiều lựa chọn, người dùng Trung Quốc ngày nay có thể họp thành các nhóm mua sắm cộng đồng để mua thực phẩm. Các dịch vụ phát video mới cung cấp cho khách hàng và nông dân công cụ để tương tác từ xa, “số hóa” hoạt động mua bán trước đó diễn ra tại các chợ làng.

Hoạt động này có tiềm năng cách mạng hóa chuỗi cung ứng thực phẩm Trung Quốc. Các hộ nông dân nhỏ có thể thiết lập quan hệ trực tiếp với khách hàng thay vì dựa vào một chuỗi cung ứng với nhiều bên trung gian, mang đến cơ hội để tăng thu nhập và nhận diện thương hiệu sản phẩm cũng như chất lượng hàng hóa. Livestreaming giúp hai đầu của chuỗi cung ứng hiểu nhau hơn. Dữ liệu cũng cung cấp sự minh bạch trên thị trường điện tử, nơi lọc những phản hồi tốt nhất và tệ nhất của khách hàng dựa trên chất lượng và độ tươi ngon.

Tuy nhiên, hàng loạt những người chơi cạnh tranh trong lĩnh vực khiến nhiều người chấp nhận đầu tư thua lỗ để giành thị phần và tiếp cận đám đông, gây tổn thất hàng tỷ USD. Họ rơi vào cuộc đua mà chỉ những người chơi có túi tiền rủng rỉnh nhất mới có thể tồn tại.

Bất kể ai là người chiến thắng cuối cùng, ngành công nghiệp thực phẩm của Trung Quốc cũng sẽ chuyển đổi khi các hộ nông dân tiếp cận nhiều tệp khách hàng hơn và trao đổi tốt hơn để hiểu rõ nhu cầu của nhau. Người mua sắm Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ các sáng kiến như mua theo nhóm và hạ tầng chuỗi cung ứng kết nối khu vực vùng sâu vùng xa với các khu đô thị. Nhờ đó, họ có quyền lựa chọn nhiều loại sản phẩm, từ thịt lợn tới các loại rau củ địa phương có nguy cơ biến mất nếu áp dụng mô hình chuỗi cung ứng phương Tây. 

Du Lam