Theo nguồn tin từ Công ty Truyền hình Kỹ thuật số miền Nam (SDTV), tại Hội thảo Truyền hình di động, xu hướng phát sóng HD và đo rating trên hạ tầng số mặt đất được tổ chức tại Nha Trang mới đây, Công ty Truyền hình Phương Nam (trực thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long, và là đơn vị đồng thành lập nên công ty SDTV), đã công bố kết quả thử nghiệm thu tín hiệu truyền hình di động ở chế độ Multi-PLP. Công ty Truyền hình Phương Nam đã thực hiện thử nghiệm thu phát truyền hình số di động trên kênh tần số 34. Mục đích của thử nghiệm là tìm ra bộ thông số điều chế phù hợp với khả năng thu và giải mã tín hiệu cho thiết bị di động khi di chuyển với vận tốc cao.

Máy phát thử nghiệm là máy DVB-T2 400W đặt tại Vĩnh Long, anten phát cao 150m, nguồn tín hiệu phát thanh truyền hình. Thiết bị thử nghiệm thu sóng truyền hình gồm hai loại: Điện thoại Asus Zenfone Go TV, anten theo máy, thiết bị thu hình DVB-T2 dongle cho di động và đầu thu số mặt đất với anten thu cố định. Quá trình đo kiểm được thực hiện trên tuyến đường quốc lộ 1 tuyến Vĩnh Long – Cần Thơ và Vĩnh Long – Sa Đéc, tốc độ tối đa là 100km/h. Hai kênh thử nghiệm là THVL SD và kênh phát thanh Vĩnh Long.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, có thể tận dụng được hạ tầng truyền hình số mặt đất DVB-T2 sẵn có để sử dụng cho mục đích thu truyền hình di động, tín hiệu DVB-T2 có thể thu được ở tốc độ 90km/h bằng thiết bị di động. Đồng thời tránh được nguy cơ nghẽn mạng di động truyền thống, do được phát từ các trạm phát sóng truyền hình. Hay nói cách khác, người dùng có thể trải nghiệm chương trình truyền hình độc lập với mạng viễn thông di động. Với vùng phủ rộng của mạng truyền hình số mặt đất, nhóm khách hàng thường xuyên sử dụng thiết bị di động có dễ dàng phát triển các dịch vụ trên nó như phát sóng truyền hình, radio.

Tuy nhiên, để có thể triển khai dịch vụ trên diện rộng thì hạn chế của công nghệ truyền hình di động này cũng như các tiêu chuẩn phát thanh số khác nằm ở thiết bị đầu cuối. Mặc dù các thiết bị điện thoại thông minh trở nên phổ biến, tuy nhiên số lượng thiết bị có tích hợp chip giải mã tín hiệu trực tiếp không nhiều, thậm chí rất ít. Thay vào đó, để có thể giải mã được tín hiệu DVB-T2, người sử dụng cần thêm bộ thu và giải mã tín hiệu gắn ngoài (T2 dongle). Vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất tuy rộng nhưng điều kiện thu sóng lại không đồng nhất.