Tính đến ngày 22/6, cổ phiếu công ty công nghệ Kakao đã tăng hơn 110% trong năm 2021, giúp tài sản của nhà sáng lập Kim Beom-su tăng thêm 5,6 tỷ USD. Nhờ đó, theo tính toán độc lập của cả tạp chí Forbes và tờ Bloomberg, Kim Beom-su đã trở thành người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản khoảng 16,3 tỷ USD. 

Xếp sau Kim Beom-su là Seo Jung-jin (13,2 tỷ USD), đồng sáng lập hãng dược phẩm Celltrion và thái tử Lee Jae-yong (12,2 tỷ USD), người thừa kế đời thứ ba của tập đoàn Samsung.

Ông Kim Beom-su, 55 tuổi, là con thứ ba trong một gia đình nghèo năm anh em, có bố làm công nhân và mẹ là phục vụ khách sạn. Thời trẻ, ông có 5 năm làm việc ở bộ phận IT của Samsung trước khi lập ra Hangame, một nhà phát triển game nổi tiếng mà sau đó sáp nhập với gã khổng lồ tìm kiếm Naver. 

{keywords}
Tỷ phú Kim Beom-su, con trai lớn trong một gia đình có năm anh em, vừa trở thành người giàu nhất Hàn Quốc.

Năm 2010, ở tuổi 44, Kim Beom-su lập ra Kakao và ứng dụng nhắn tin KakaoTalk đã nhanh chóng vươn mình trở thành nền tảng dịch vụ di động số một Hàn Quốc. Điều này biến Kakao trở thành tập đoàn lớn mạnh sáng ngang với các chaebol như Samsung, Hyundai, SK hay LG, tức những tập đoàn gia đình khổng lồ của Hàn Quốc. 

Mảng kinh doanh số của Kakao đã rất thuận lợi trước khi Covid-19 bùng phát và càng thuận lợi hơn trong mùa dịch. Dịch vụ KakaoTalk hiện có 45 triệu người dùng và chiếm 95% thị phần ở Hàn Quốc, theo Counterpoint Research.

Kakao hiện đang kinh doanh quảng cáo, thương mại điện tử, bản đồ trực tuyến, game và dịch vụ tài chính. Công ty còn có webtoon, một dạng truyện tranh cuốn chiếu xuất bản trên mạng rất được ưa chuộng không chỉ ở Hàn Quốc mà còn trên thế giới.

Mở rộng sang mảng tài chính, Kakao Pay hiện đang hợp tác với Ant Group của Alibaba để cải tiến công nghệ QR, nhận dạng khuôn mặt và nền tảng thanh toán.

Một mảng kinh doanh khác là Kakao Games đã gọi được vốn 320 triệu USD sau khi lên sàn vào tháng 9/2020. Tháng tới, Kakao tiếp tục kỳ vọng thu về 1,8 tỷ USD khi Kakao Bank mở bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO).

Mảnh đất tiếp theo mà Kakao nhắm tới là B2B2C (doanh nghiệp tới doanh nghiệp tới khách hàng) như dịch vụ đám mây của Amazon hay Microsoft. Công ty cũng có ý định mở rộng sang lĩnh vực giải trí với Kakao Entertainment và vận tải với Kakao Mobility. Cả hai dự kiến IPO vào năm sau. 

Mục đích cuối cùng của Kakao sau khi thâu tóm và sáp nhập hơn 100 công ty khác nhau chính là tạo ra một hệ sinh thái, siêu ứng dụng giống như WeChat.

Phương Nguyễn (theo Forbes)

Kakao bất ngờ vượt Hyundai về giá trị vốn hóa nhờ dịch bệnh

Kakao bất ngờ vượt Hyundai về giá trị vốn hóa nhờ dịch bệnh

Dịch bệnh gây xáo trộn bảng xếp hạng các doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc tính theo vốn hóa thị trường.