Thay đổi tư duy từ trải nghiệm thất bại

Mai Quang Tuấn, sinh viên năm thứ 1 ngành Kỹ thuật điện (Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Đại học VinUni) tự nhận có cách học khác người từ khi còn là học sinh: Tiết kiệm tối đa thời gian học và các hoạt động của nhà trường. Với nhiều chủ đề, chàng trai từng giành giải Nhất môn Vật lý kì thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2019-2020 tự tin, chỉ cần khoảng 10 phút đọc sách, xem Youtube để nắm bắt vấn đề. Bộ não đặc biệt của Tuấn sẽ ghi nhớ mọi thứ. Bởi thế, Tuấn tự nhận mình là sinh viên theo kiểu mẫu... lười.

Đó là vì sao trong đợt tuyển trợ lí nghiên cứu của các giáo sư hồi học kì 1 tại VinUni, Mai Quang Tuấn không tham gia. Một phần vì "lười" nhưng phần khác “em muốn tự trau dồi kiến thức trước khi tham gia vào những dự án của các giáo sư vì lo không làm được gì". Sang học kì 2, Tuấn tình cờ được giới thiệu làm trợ lí nghiên cứu trong dự án nghiên cứu ứng dụng AI, máy học vào y tế của Giáo sư Đỗ Ngọc Minh (Phó hiệu trưởng Trường Đại học VinUni). Đó là khởi đầu của sự thay đổi mà ngay cả ngay cả Tuấn cũng không nghĩ tới.

{keywords}
Các giáo sư của VinUni đã đồng hành cùng sinh viên trong các dự án nghiên cứu khoa học ngay từ năm đầu tiên

Chàng trai cựu học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) vốn chỉ quen với những bài toán trong sách bỗng phải đối mặt với những bài toán thực. Đó là một ứng dụng để hỗ trợ bệnh nhân uống thuốc dễ dàng hơn với điểm khó là làm sao chuyển chính xác được đơn thuốc thành một cuốn lịch thông minh nhắc nhở người bệnh. Đó còn là vị "bác sĩ" AI có thể chẩn đoán bệnh liên quan đến hô hấp không thua kém gì những chuyên gia y tế kì cựu hay một chiếc gối có thể theo dõi sức khỏe của người dùng,...

Mọi thứ vượt xa trường phái "10 phút để hiểu vấn đề" của Tuấn. Chàng sinh viên VinUni năm nhất tự tin bỗng được trải nghiệm cảm giác "đi vào ngõ cụt" khi giải những câu hỏi của đời thường. Tuấn vẫn nhớ như in, cảm giác 2 tuần bị giày vò, liên tiếp tìm ý tưởng, cách triển khai nhưng đều thất bại với dự án ứng dụng hỗ trợ bệnh nhân uống thuốc. Nút thắt là làm sao có một thuật toán sửa lỗi chính tả khi chuyển đổi từ đơn thuốc bằng giấy sang phiên bản số. Điều ấy đặc biệt quan trọng bởi chỉ một sai sót nhỏ, người bệnh có thể uống nhầm thuốc hoặc quá liều.

"Vì sao em không soi chiếu những chỗ sai chính tả với những từ gần nhất trong từ điển", câu trả lời tưởng như đơn giản của Giáo sư Đỗ Ngọc Minh mở toang cánh cửa trong tâm trí Tuấn. Giải pháp mới được Tuấn và mọi người cùng phát triển quả thật cho kết quả tốt hơn hẳn trước đó.

"Em đã học được cách tư duy hoàn toàn khác. Trong thời gian dài, em cố gắng trở thành một người 'cái gì cũng biết' nhưng khi giải quyết một vấn đề, lí thuyết là chưa đủ", chàng trai trẻ nói.

Cơ hội "nhảy xuống nước" để làm nên điều lớn lao

Mai Quang Tuấn hào hứng cho biết, một loạt công trình ứng dụng AI trong y tế của mình và các bạn cùng giáo sư đã bước vào giai đoạn hoàn thiện. Những dự án "quá tầm" một thời trong suy nghĩ của Tuấn nay đã gần ngay trước mắt.

Điều đáng trân trọng trong suốt quãng thời gian qua với Tuấn là học hỏi được cách tư duy, kinh nghiệm nghiên cứu của những vị giáo sư đáng kính, tài giỏi tại VinUni. Ngoài ra còn là rất nhiều "người thầy" xung quanh Tuấn, đó là những bạn học không chỉ có kiến thức, khả năng phản biện cực tốt mà còn không thiếu ý tưởng sáng tạo và kĩ năng thuyết trình.

{keywords}
Mai Quang Tuấn cùng các thành viên trong CLB Kỹ thuật VinUni (hàng trước, thứ hai từ phải sang)

Vòng tuần hoàn có ý tưởng, triển khai, thất bại, rồi lại xây dựng ý tưởng mới... với Tuấn là những điều quý báu. Tuấn chia sẻ, em nhận ra động lực quyết định cho sự thành công của nghiên cứu: sự bền bỉ, kiên nhẫn, quyết tâm để góp nhặt từng chút kiến thức và thay đổi tư duy.

Đó cũng chính là những điều chàng sinh viên Việt đã viết khi ứng tuyển vào làm thực tập sinh chương trình thực tập tại Trung tâm Ứng dụng Siêu Máy tính Quốc gia (NCSA), thuộc Đại học Illinois, Mỹ, một địa chỉ "huyền thoại" của giới nghiên cứu. Cùng đăng kí với Tuấn vào nơi nổi tiếng là khởi phát nên trình duyệt web hàng tỉ người trên thế giới đang sử dụng, là lứa sinh viên xuất sắc nhất trong lĩnh vực học máy (Machine learning) đến từ Mỹ và nhiều nước khác với tỉ lệ “chọi" vô cùng khốc liệt.

Trong hồ sơ của chàng trai Việt, Tuấn đã trả lời cho câu hỏi lý do tham gia dự án bằng nội dung... tưởng như lạc đề. Một câu chuyện thật về quá trình thay đổi của mình từ khi bước vào năm thứ 1 và những dự án em đang nghiên cứu cùng những giáo sư nổi tiếng của VinUni. Hội đồng tại NCSA sau đó đã ngay lập tức "chấm" chàng sinh viên Việt để nghiên cứu dự án về thị giác máy tính, giúp nhận diện cảm xúc tiêu cực của các đối tượng được ghi hình. Nếu thành công, giải pháp này có thể áp dụng với hệ thống camera để sớm cảnh báo đối tượng nguy hiểm.

Dõi theo Tuấn từ những bước chập chững ban đầu, Giáo sư Đỗ Ngọc Minh so sánh quá trình thay đổi ấy giống như "tập bơi". Mọi động tác bất kì ai cũng có thể thuộc lòng nhưng điều cần thiết là "nhảy xuống nước". Đây mới là quá trình học tốt nhất bởi chính sinh viên biết mình thiếu gì và cần gì. Từ những cú vấp ngã, điều sinh viên tìm ra ngoài kiến thức còn là cách tiếp cận, kĩ năng giải quyết vấn đề và đặc biệt là khả năng tự vận động bản thân.

Tại VinUni, kĩ năng này được đào tạo ngay cho sinh viên năm nhất, bằng cách “nhúng” họ vào các dự án nghiên cứu khoa học cùng các Giáo sư – một phương pháp “huấn luyện” đặc biệt ít thấy.

Theo Giáo sư Minh, ngoài sự đầu tư lớn từ nhà trường cho các dự án, tỉ lệ giáo sư, giảng viên/sinh viên tại VinUni chỉ là 1/6 chính là điều kiện lí tưởng cho môi trường vừa học vừa nghiên cứu. Phương pháp tương tự cũng đang được nhiều trường đại học hàng đầu thế giới duy trì. Tỉ lệ giảng viên/sinh viên dưới 1/10 gần như là điều bắt buộc với những ngôi trường top đầu nếu không muốn bị rớt hạng.

Điều mong mỏi lớn nhất của vị Giáo sư với những con người trẻ tuổi từ cách học của VinUni chính là sự khám phá bản thân. Đó là điều không một ai có thể giúp ngoài chính bản thân mỗi người. Từ cơ sở ấy, những sinh viên xuất sắc của VinUni sẽ có đủ tự tin, khát vọng để làm nên những điều lớn lao hơn.

An Nhiên