Universal Robots: Việt Nam là thị trường robot lớn thứ 7 thế giới| Tăng 30% năng suất nhờ ứng dụng robot hợp tác |Công nghiệp điện đã giúp doanh số robot tại Việt Nam tăng gấp hơn 5 lần |

Ông Sakari Kuikka, Tổng giám đốc Universal Robots khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương cho biết, theo dự báo đến năm 2021 ước tính toàn bộ thị trường tự động hóa Việt Nam sẽ có trị giá 184,5 triệu USD (Ảnh Universal Robots cung cấp)

Việt Nam là thị trường robot lớn thứ 7 thế giới

Cũng trong thông tin chia sẻ với ICTnews, ông Sakari Kuikka nhấn mạnh, được xem là thị trường robot lớn thứ 7 trên thế giới, Việt Nam đã không còn xa lạ với tự động hoá. Khi Chính phủ Việt Nam tiếp tục tập trung vào Công nghiệp 4.0, tiềm năng cho robot sẽ phát triển với nhiều giải pháp đang được triển khai. Trong đó, robot hợp tác (cobots) được đánh giá là phân khúc phát triển nhanh nhất trong ngành công nghiệp tự động, dự kiến sẽ chiếm 34% tổng doanh số của robot công nghiệp vào năm 2025.

Không giống như các robot công nghiệp truyền thống đe dọa thay thế việc làm của con người, cobots được thiết kế để hoạt động cùng với các công nhân. Các đồng nghiệp robot này mang lại lợi ích to lớn cho các ngành quan trọng của Việt Nam như điện tử, ẩm thực, dịch vụ và du lịch.

“Khi Việt Nam đặt mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế vào năm 2020, cobots có thể cung cấp cho các doanh nghiệp địa phương một giải pháp nhanh chóng và dễ dàng để áp dụng tự động hóa, giúp họ duy trì sự bền vững và cạnh tranh trên cả thị trường địa phương và trên toàn cầu”, ông Sakari Kuikka nhận định.

Nhấn mạnh tính hiệu quả của Cobots trong công cuộc chuyển đổi số doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Universal Robots khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương cho rằng, cobots đang giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, áp dụng tự động hóa một cách dễ dàng hơn.

“Với tổng chi phí sở hữu (TCO) thấp hơn so với robot công nghiệp truyền thống, cobots không chỉ có giá cả phải chăng hơn; chúng cũng nhanh nhẹn, an toàn và dễ sử dụng hơn. Tổng chi phí sở hữu bao gồm chi phí trực tiếp và gián tiếp, bao gồm bảo trì, thay đổi cách bố trí nhà máy, đào tạo nhân viên và những rào chắn an toàn - các khía cạnh doanh nghiệp phải xem xét nếu sử dụng robot công nghiệp truyền thống”, đại diện Universal Robots khu vực Đông Nam Á & châu Đại Dương phân tích.

Tăng 30% năng suất nhờ ứng dụng robot hợp tác

Minh chứng cho nhận định của mình, ông Sakari Kuikka nêu, Công ty cổ phần Công nghiệp Ô tô Việt Nam Vinacomin (VMIC), nhà sản xuất phụ tùng cho các xe tải khai thác, đã nghĩ rằng việc tự động hóa những quy trình của họ là một việc rất phức tạp cho đến khi họ áp dụng cobots. Đội ngũ kỹ sư đã có thể thiết lập, lập trình và vận hành các cobots trong vòng một tháng. Công ty cũng nhận thấy ​​năng suất tăng 30% và chất lượng sản phẩm được cải thiện kể từ khi triển khai cobot đầu tiên vào năm ngoái.

Tương tự, PT JVC Electronics Indonesia cũng là một công ty đã được hưởng lợi rất nhiều từ cobots. Kể từ khi triển khai cobots, nhân viên của họ đã được giải tỏa khỏi các nhiệm vụ nguy hiểm và lặp đi lặp lại như hàn và vặn vít, giảm rủi ro và tăng sự hài lòng của nhân viên nói chung. Độ chính xác và hiệu quả của cobots cũng dẫn đến tăng tổng năng suất và chất lượng đầu ra, tiết kiệm cho công ty 80.000 USD mỗi năm.

Universal Robots: Việt Nam là thị trường robot lớn thứ 7 thế giới| Tăng 30% năng suất nhờ ứng dụng robot hợp tác |Công nghiệp điện đã giúp doanh số robot tại Việt Nam tăng gấp hơn 5 lần |

Đại diện Universal Robots khu vực Đông Nam Á & châu Đại Dương cho hay, theo nghiên cứu của McKinsey, các công ty tích hợp cobots vào dây chuyền sản xuất có thể sẽ thấy năng suất tăng vọt lên tới 300% (Ảnh minh họa: Universal Robots)

Cũng trong phân tích về chuyển đổi số cùng cobots, ông Sakari Kuikka cho biết, không giống như robot công nghiệp thường rất cồng kềnh, cobots có tính linh hoạt và khả năng tùy biến cho nhiều ứng dụng khiến chúng rất phù hợp với các ngành công nghiệp phi truyền thống như ngành chế biến thực phẩm - một trong những ngành lớn nhất tại Việt Nam, đóng góp 15% GDP của đất nước.

“Sự đơn giản trong thiết kế cobot giúp các nhân viên không có kinh nghiệm về robot cũng có thể lập trình cho nó. Vì các cobot được thiết kế để hoạt động cùng với con người, chúng được tích hợp các tính năng an toàn đã được cấp bằng sáng chế. Mang lại sự an tâm cho các công ty có thể chưa quen với tự động hóa”, ông Sakari Kuikka chia sẻ.

Trên thực tế, theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Universal Robots khu vực Đông Nam Á & châu Đại Dương, tại khách sạn M Social ở Singapore, khách dùng bữa sáng là trứng được chuẩn bị bởi các cobot. Tại Nhật Bản, người ta cũng có thể thấy các cobot làm bánh bao tại Huis Ten Bosch, với kích thước đồng đều và được chế biến một cách hoàn hảo. Ngay cả những ngành công nghiệp như chăm sóc sức khỏe cũng được hưởng lợi. Cụ thể, mọi người đã thấy những cobot làm việc trong các bệnh viện như Bệnh viện đa khoa Changi ở Singapore, nơi chúng được lập trình để lấy một loạt các vật dụng từ kệ, cho phép nhân viên tập trung vào phục vụ bệnh nhân.

Theo nghiên cứu của McKinsey, các công ty tích hợp cobots vào dây chuyền sản xuất có thể sẽ thấy năng suất tăng vọt lên tới 300%. “Với rất nhiều công ty kể trên được hưởng lợi từ cobots, rõ ràng có nhiều tiềm năng cho cobots trong các ngành công nghiệp. Cùng với thị trường robot đang phát triển tại Việt Nam, có rất ít rủi ro cho các nhà sản xuất khi họ thực hiện bước nhảy vọt tính toán này và bắt tay vào hành trình tự động hóa”, ông Sakari Kuikka nhấn mạnh.