Triển khai đồng bộ, có hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số

Thông tin trên là một nội dung trong công văn mới được Bộ TT&TT gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là bộ, ngành, địa phương) về việc triển khai Quyết định 146 ngay 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương phổ biến, quán triệt các nội dung Quyết định 146 cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý bằng các hình thức phù hợp, bảo đảm hiệu quả truyền thông về vai trò, ý nghĩa của Đề án.

Cùng với đó, xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 146 cho cả giai đoạn và kế hoạch hằng năm, bảo đảm đồng bộ các nội dung của kế hoạch với chương trình, kế hoạch phát triển chính phủ số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của cơ quan, đơn vị.

Bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án

Các bộ, ngành, địa phương còn được đề nghị phối hợp với Bộ TT&TT để triển khai thực hiện từng nhóm nhiệm vụ của Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

{keywords}
Phát triển nguồn nhân lực được xác định là yếu tố then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia (Ảnh minh họa)

Cụ thể, với nhóm các nhiệm vụ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, cần xây dựng các nội dung truyền thông về chuyển đổi số thống nhất, đồng bộ và xuyên suốt từ Trung ương đến cấp xã, gắn với điều kiện đặc thù từng ngành, lĩnh vực của các bộ, ngành và địa phương nhưng vẫn tạo được nhận thức chung về chuyển đổi số trong toàn xã hội, bảo đảm đạt được mục đích và hiệu quả truyền thông cho từng đối tượng cụ thể, tránh làm hình thức, phong trào, lãng phí.

Đối với nhóm các nhiệm vụ phổ cập kỹ năng chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương được đề nghị cho ý kiến, thống nhất khung nội dung phổ cập kỹ năng số cho người dân và khung chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị do TT&TT chủ trì xây dựng; ưu tiên tổ chức phổ cập kỹ năng số, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Được biết, nền tảng học trực tuyến mở MOOCs là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia ưu tiên tập trung phát triển đã được Bộ TT&TT công bố tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ ba - năm 2021 diễn ra ngày 11/12/2021. Là nền tảng do Bộ TT&TT là cơ quan chủ quản, nền  tảng học kỹ năng trực tuyến mở MOOCs được xây dựng để phổ cập kỹ năng số cho mọi đối tượng, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân nói chung; phổ cập kỹ năng số nâng cao cho người dân theo hướng cá nhân hóa, đào tạo về kỹ năng, quyền và trách nhiệm của công dân số.

Còn với nhóm các nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương cần cho ý kiến, thống nhất khung nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, công nghệ số cho đội ngũ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu chuyển đổi số trong cơ quan do Bộ TT&TT chủ trì xây dựng.

Đồng thời, lựa chọn, cử cán bộ và bố trí kinh phí cho cán bộ tham gia chương trình đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số và các hoạt động của mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số quốc gia theo điều phối của Bộ TT&TT.

Bộ TT&TT cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” từ nguồn chi thường xuyên thuộc ngân sách của các bộ, ngành trung ương và địa phương; nguồn vốn đầu tư công trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành trung ương và địa phương và các nguồn lực xã hội hóa.

Bên cạnh đó, giao đơn vị chuyên trách về CNTT (với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ), các Sở TT&TT (với các địa phương) là đầu mối tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. 

Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/1 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số; phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Để hiện thực hóa các mục tiêu của Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ 3 nhóm nhiệm vụ và 3 nhóm giải pháp, bao gồm: Nhóm các nhiệm vụ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; nhóm các nhiệm vụ về phổ cập kỹ năng chuyển đổi số; nhóm các nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; Nhóm các giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm các giải pháp hỗ trợ triển khai; nhóm các giải pháp về cơ chế tài chính. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ TT&TT chủ trì tổ chức triển khai Đề án này.

Vân Anh

Giải bài toán nâng cao nhận thức, Bộ TT&TT ra “Cẩm nang Chuyển đổi số”

Giải bài toán nâng cao nhận thức, Bộ TT&TT ra “Cẩm nang Chuyển đổi số”

“Cẩm nang Chuyển đổi số” vừa được Bộ TT&TT cho ra mắt. Tóm lược những điều quan trọng và thiết yếu về chuyển đổi số, cẩm nang sẽ góp phần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các cơ quan, doanh nghiệp và mọi người dân Việt Nam.