Hoàn thiện nền tảng tài nguyên số về TN&MT

Đề án “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương” được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt ngày 21/12.

{keywords}
Đề án xác định rõ quan điểm, cơ sở dữ liệu TN&MT tạo tiền đề chuyển đổi số, đổi mới toàn diện phương thức hoạt động quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ công… của ngành TN&MT.

Được thực hiện trên phạm vi cả nước trong 5 năm từ 2021 đến 2025, Đề án hướng tới mục tiêu hoàn thiện nền tảng tài nguyên số về TN&MT với giải pháp công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, cung cấp đầy đủ dữ liệu đầu vào cơ bản, cần thiết cho Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thay đổi phương thức làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ.

Cùng với đó, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, nhanh chóng về TN&MT; tạo lập được hệ thống dữ liệu mở Chính phủ ngành TN&MT, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.

Trong Đề án mới phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ các mục tiêu cụ thể đặt ra cho giai đoạn đến năm 2023 và đến năm 2025.

Theo đó, đến năm 2023, sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ thu nhận, tạo lập, quản lý, kết nối, chia sẻ toàn diện nguồn tài nguyên số về TN&MT. Cơ bản hoàn thiện nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu TN&MT.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu năm 2023 triển khai, vận hành, kết nối và chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính nền tảng, nhu cầu khai thác sử dụng lớn gồm: nền địa lý quốc gia, đất đai quốc gia; quan trắc quốc gia về TN&MT, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan.

Cùng với việc tạo lập, vận hành Cổng dữ liệu về TN&MT, cũng đến năm 2023, 30% cơ sở dữ liệu chuyên ngành TN&MT được hoàn thiện; kết nối, chia sẻ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh - quốc phòng; cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; góp phần phát triển Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

Mục tiêu đến năm 2025 là hoàn thiện nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường, cung cấp được các sản phẩm tri thức cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân thông qua các kênh thông tin hiện đại, trực tuyến.

100% cơ sở dữ liệu quốc gia về TN&MT tạo nền tảng Chính phủ điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; 80% cơ sở dữ liệu chuyên ngành TN&MT được hoàn thiện, đảm bảo an toàn, an ninh; phục vụ cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, tạo lập môi trường, điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng hoạt động điều tra, khảo sát, đo đạc, quan trắc, thu nhận, triển khai xây dựng hạ tầng dữ liệu số, cung cấp dịch vụ số… về TN&MT.

5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Đề án chỉ rõ 5 nhóm nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp chủ yếu cần tập trung triển khai thời gian tới.

Cụ thể, các nhóm nhiệm vụ chủ yếu của Đề án gồm có: Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ thu nhận, tạo lập, quản lý, kết nối, chia sẻ toàn diện nguồn tài nguyên số về TN&MT;  Xây dựng các nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu TN&MT;

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường bảo đảm kết nối, liên thông, cung cấp, chia sẻ dữ liệu; Xây dựng Cổng dữ liệu ngành TN&MT; Nâng cấp, xây dựng nền tảng hạ tầng CNTT.

Trong đó, Cổng dữ liệu ngành TN&MT có các cấu phần chính là: Cung cấp dịch vụ chia sẻ, sử dụng dữ liệu TN&MT; kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; Công khai dữ liệu TN&MT thuộc danh mục dữ liệu mở phục vụ việc khai thác, tham gia đóng góp của cá nhân, tổ chức tạo lập hệ sinh thái dữ liệu cho các ứng dụng đa nền tảng;

Kết nối, liên thông với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng dữ liệu quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ tri thức Việt số hóa và các hệ thống thông tin quốc gia khác; Cung cấp hạ tầng tri thức, tính toán, phân tích, xử lý dữ liệu TN&MT; Các chức năng khác theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Giải pháp công nghệ, giải pháp an toàn bảo mật thông tin, tổ chức bộ máy nhân sự và tuyên truyền nâng cao nhận thức đã được xác định là 4 nhóm giải pháp chủ yếu của Đề án.

Bộ TN&MT là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương  tổ chức thực hiện Đề án và là đầu mối tổ chức tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Độc giả có thể xem chi tiết các nội dung của Đề án “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương” tại đây.

Vân Anh

Người dân 5 địa phương sắp thanh toán online nghĩa vụ tài chính khi làm thủ tục đất đai

Người dân 5 địa phương sắp thanh toán online nghĩa vụ tài chính khi làm thủ tục đất đai

Ngay trong tháng 11/2020, thành phố Đà Nẵng và 4 tỉnh Bình Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Long An sẽ kết nối, tích hợp và tổ chức việc thanh toán online nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.