Sẽ xây dựng chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu ngành Giao thông

Nhiệm vụ triển khai xây dựng và đưa vào vận hành thử nghiệm Cổng dữ liệu mở Bộ Giao thông vận tải đã được giao cho Trung tâm CNTT của Bộ chủ trì thực hiện. Đây là một nội dung trong kế hoạch Phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng của Bộ Giao thông vận tải năm 2022 mới được ban hành.

{keywords}
 Phát triển dữ liệu được xác định là 1 nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch Phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng của Bộ Giao thông vận tải năm 2022. (Ảnh minh họa)

Tại kế hoạch này, Bộ Giao thông vận tải đã xác định rõ 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay là hoàn thiện để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tại Bộ.

Theo đó, sau khi Chiến lược dữ liệu quốc gia được ban hành, Trung tâm CNTT của Bộ Giao thông vận tải sẽ xây dựng Chiến lược dữ liệu, kế hoạch phát triển dữ liệu, các cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở Bộ Giao thông vận tải đảm bảo phù hợp với chiến lược quốc gia. Trung tâm CNTT cũng được giao chủ trì việc xây dựng Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu ngành Giao thông vận tải.

Cùng với đó, sẽ xây dựng, ban hành các quy định hướng dẫn về thu thập, xử lý, tổng hợp thông tin hỗ trợ quản lý, điều hành tại các cấp quản lý của ngành Giao thông vận tải nhằm triển khai Nghị định 47 năm 2020 của Chính phủ về kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

Về phát triển hạ tầng số, trong năm 2022, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT cho Trung tâm dữ liệu tập trung của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, hướng tới vận hành theo mô hình điện toán đám mây, bảo đảm vận hành các hệ thống thông tin, CSDL do các đơn vị chuyên ngành quản lý. Đồng thời, xây dựng hệ thống mạng diện rộng, mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải sắp tới cũng sẽ tiếp tục triển khai mở rộng, hoàn thiện nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP) của Bộ Giao thông vận tải bảo đảm kết nối thông suốt với nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) để phục vụ phát triển Chính phủ số.

Cơ bản hoàn thành 2 CSDL nền tảng dùng chung trong năm nay

Đáng chú ý, đối với việc triển khai nhóm nhiệm vụ về phát triển dữ liệu, dự kiến ngay trong năm 2022, cùng với việc triển khai thử nghiệm Cổng dữ liệu mở của Bộ, Bộ Giao thông vận tải sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng các CSDL nghiệp vụ và CSDL nền tảng dùng chung về phương tiện, người điều khiển phương tiện; bước đầu hình thành CSDL kết cấu hạ tầng giao thông và CSDL doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Song song đó, sẽ đổi mới kỹ thuật, thúc đẩy việc ứng dụng thử nghiệm các công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích dữ liệu, đưa ra các số liệu dự báo hỗ trợ công tác quy hoạch phát triển và chỉ đạo điều hành công việc của cơ quan.

Trong năm 2021, một trong những kết quả nổi bật trong hoạt động chuyển đổi số của ngành Giao thông vận tải chính là đã bước đầu hình thành các CSDL dùng chung, CSDL chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành của các đơn vị; chia sẻ dữ liệu với các đơn vị ngoài ngành Giao thông vận tải.

Thông tin về hiện trạng xây dựng 4 bộ CSDL nền tảng dùng chung của ngành giao thông vận tải, Trung tâm CNTT cho hay, đến trung tuần tháng 10/2021, với CSDL kết cấu hạ tầng giao thông, đã cơ bản hoàn thành xây dựng CSDL kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm 7.354 cầu đường bộ; tình trạng mặt đường của 24.598 km đường; 32 loại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang triển khai xây dựng CSDL kết cấu hạ tầng hàng hải, hàng không, đường thuỷ nội địa, đường sắt.

Với CSDL phương tiện, đã hoàn thành dữ liệu quản lý 1.570 phương tiện hàng hải; 235.000 phương tiện thuỷ nội địa; 4.416.908 phương tiện đường bộ (xe ô tô); 5.823 phương tiện đường sắt; 264 phương tiện hàng không. Đang tiếp tục chuẩn hóa dữ liệu và kết nối dữ liệu giữa các lĩnh vực để dùng chung.

Về CSDL người điều khiển phương tiện: Đã hoàn thành dữ liệu quản lý 48.876.253 người điều khiển mô tô; 10.268.842 người điều khiển ô tô; 2.973 người điều khiển phương tiện hàng không; 81.302 người điều khiển phương tiện hàng hải. Đang triển khai xây dựng CSDL người điều khiển phương tiện đường thuỷ nội địa và chuẩn hóa, kết nối dữ liệu dùng chung.

Đối với CSDL doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải cũng đã hoàn thành dữ liệu quản lý 91.832 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đường bộ; và đang triển khai xây dựng CSDL doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường thuỷ nội địa, đường sắt.

Vân Anh

Ngân hàng Nhà nước, Bộ GTVT dẫn đầu về đảm bảo an toàn thông tin mạng

Ngân hàng Nhà nước, Bộ GTVT dẫn đầu về đảm bảo an toàn thông tin mạng

Cùng với 7 tỉnh, thành phố đạt loại A ở khối địa phương, ở khối các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Giao thông Vận tải là 2 đơn vị xếp loại A về mức độ sẵn sàng đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2020.