Lá thư đề xuất không thả bóng bay trong lễ khai giảng năm học của Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh chuẩn bị bước vào lớp 6 Trường Marie Curie (Hà Nội), gửi thầy hiệu trưởng đã làm lay động trái tim nhiều người trong hơn một ngày qua. Ngay sau khi nhận được bức thư của Linh, đại diện các trường Pascal, Bill Gates, Việt Úc hứa sẽ hạn chế rác thải, không thả bóng bay lên trời trong ngày lễ khai giảng. Đồng thời, hiệu trưởng trường Marie Curie cũng viết thư cảm động gửi riêng cho Linh.

Vì một lễ khai giảng không bóng bay: Hàng loạt Hiệu trưởng viết tâm thư, lên tiếng ủng hộ lời đề nghị của nữ sinh lớp 5 - Ảnh 1.

Em Nguyễn Nguyệt Linh đã mạnh dạn viết email gửi tới hơn 40 trường học ở Hà Nội để kêu gọi các trường ngừng thả bóng bay trong lễ khai giảng.

Không chỉ các trường học tại Hà Nội, nhiều trường học khác ở TP.HCM cũng lên tiếng ủng hộ lời đề nghị văn minh này của cô bé lớp 5. Trên trang cá nhân, thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú đã gửi lời cảm ơn ý tưởng của Nguyệt Linh. Thầy cũng đưa ra thông điệp, sẽ cùng nhau thực hiện ý tưởng này.

"Nguyệt Linh ơi, con thật tuyệt vời! Thầy xin lỗi đã thiếu hiểu biết khi khai giảng nào cũng thả thật nhiều bóng bay để gửi gắm những điều ước tốt đẹp mà vô tình lại đem đến những ảnh hưởng xấu đến môi trường và đôi khi còn nguy hại đến tính mạng của nhiều sinh vật. Cảm ơn con - một cô bé có những suy nghĩ và hành động đẹp. Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện nào", thầy Nhâm viết trên trang cá nhân Facebook.

Tiếp đó, trường Phổ thông liên cấp Olympia cũng chia sẻ trên các trang phương tiện truyền thông của trường mình rằng, nhà trường chưa bao giờ thả bóng bay trong dịp lễ khai giảng vì tốn kém không cần thiết. Đồng thời, như bé Nguyệt Linh chia sẻ, một phần gây ảnh hưởng tới môi trường.

Không chỉ trường tiểu học, phổ thông, một số trường như trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm nay cũng sẽ không thả bóng bay trong lễ khai giảng. Chia sẻ với báo Thanh Niên, nhạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông nhà trường, cho biết: "Thật ra trong khoảnh khắc đầu năm học, nếu chứng kiến cảnh thả bóng bay lên trời sẽ có rất nhiều cảm xúc. Nhưng khi môi trường bị đe dọa như hiện nay thì cũng cần xem xét lại việc này. Nếu muốn tạo không khí, các trường có thể thuê bong bóng khinh khí cầu loại to, có thể tái sử dụng nhiều lần - vừa có không khí, vừa có thể bảo vệ môi trường thì sẽ tuyệt hơn".

Vì một lễ khai giảng không bóng bay: Hàng loạt Hiệu trưởng viết tâm thư, lên tiếng ủng hộ lời đề nghị của nữ sinh lớp 5 - Ảnh 2.

Nguyệt Linh ý thức rất rõ việc bảo vệ môi trường dù đang còn rất nhỏ.

Mọi năm, trường tổ chức lễ khai giảng ở sân trường và thả bóng bay. Nhưng để ủng hộ, năm nay trường sẽ không thực hiện hoạt động này nữa. Thạc sĩ Phương cũng cho rằng vẫn có nhiều hoạt động khác có ý nghĩa và tạo không khí trong ngày khai giảng không kém việc thả bóng bay. Chẳng hạn như thực hiện cây ước nguyện - thể hiện những mong ước, lời chúc của sinh viên về một năm học thuận lợi, những quyết tâm trong 4 năm học sắp tới.

Trước hành động ý nghĩa của cô học trò nhỏ, trong một bài viết trên Facebook cá nhân, nhà báo Trương Anh Ngọc cũng đã chia sẻ câu chuyện về lễ khai giảng ở Ý: "Mấy năm đã qua kể từ ngày con tôi vào lớp 1 ở Ý, trong một ngôi trường không thực sự khang trang và hiện đại, nhưng lại không thiếu tình người và tính nhân văn trong giáo dục, nhân văn từ những chi tiết nhỏ nhất. Con bé con sẽ không bao giờ quên ngày khai giảng đầy ý nghĩa của nó. Không ai đọc diễn văn, không ai hứa hẹn, không có những màn ca nhạc ầm ĩ và thả bóng bay.

Chỉ có cảnh cha mẹ các bé ngồi trong một sân khấu ở giữa sân trường có mái che, xúc động lắng nghe cô hiệu trưởng đọc tên từng bé một để cô giáo mẫu giáo cầm tay bé ấy trao cho cô chủ nhiệm lớp 1. Cô giáo mới sẽ dẫn từng bé vào lớp như thế trong tiếng vỗ tay của các vị phụ huynh và trong tiếng cười bẽn lẽn của lũ trẻ…".

Như nhà báo Trương Anh Ngọc nói, không cần bóng bay, cũng không cần phô trương những thứ diễn văn dài dòng mà năm nào cũng đọc đi đọc lại chỉ chỉnh sửa tháng ngày nghe đến phát chán, hãy để lễ khai giảng thực sự là ngày mà học trò cảm thấy vui vẻ nhất, để các em thấy ngày đó thực sự là ngày của chính bản thân mình!

Liên quan đến câu chuyện này, khi bức thư của Nguyệt Linh gây bão và lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường đến nhiều người, một em học sinh khá đã noi gương Linh gửi lời đề nghị đến cô giáo, nhưng buồn một điều rằng lời đề nghị này đã bị chính cô giáo em từ chối .

Ngay sau câu chuyện này được chia sẻ rộng rãi đã nổ ra rất nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Hiện cô giáo và ngôi trường nói trên chưa có động thái phản hồi, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này!