Theo PopularMechanics, một nhóm các nhà khoa học đa quốc gia đã đi tìm hiểu nguyên nhân tại sao một số người lại cảm thấy sợ hãi trước robot. Họ tiến hành xác định các khu vực trong não bộ con người chịu trách nhiệm gây ra cảm giác sợ hãi, ghét bỏ robot.

Đó là vùng amygdala và vỏ não trước trán. Đây là những vùng não chịu trách nhiệm dẫn tới sự ác cảm của một số người với robot. Những khu vực này luôn trong tình trạng báo động đỏ khi họ nhìn thấy robot có hình dạng giống con người.

Các phát hiện mới nhất này đã xác nhận lý thuyết Thung lũng Uncanny là có căn cứ. Lý thuyết Thung lũng Uncanny cho rằng, con người thích những thứ có hình thù con người nhưng thường chối bỏ nếu chúng quá giống con người.

Nhiều người dự đoán rằng, nguyên nhân có thể do ý thức của con người về việc giữ gìn sự sống của nhân loại hoặc sự so sánh giữa các đặc điểm của con người và robot. Tuy nhiên tại sao mọi người lại phản ứng theo những cách khác nhau trước một mối đe dọa tiềm tàng?

Để hiểu tại sao con người có ác cảm với robot, đặc biệt là các robot hình người, chúng ta phải xem xét lý thuyết Thung lũng Uncanny. Lý thuyết này được tạo ra bởi chuyên gia robot Masahiro Mori. Nó cho rằng, robot hình người khiến chúng ta không thấy thoải mái vì việc nhìn thấy một khối máy móc có hình dáng y hệt con người tạo cảm giác như thể một người đã chết đang giao tiếp với họ.

Lý thuyết của Mori được biểu diễn dưới dạng một đường cong. Cảm giác quen thuộc của con người với robot sẽ di chuyển thành một đường cong đi lên trong quá trình chúng ta tương tác với những cỗ máy giống người. Về cơ bản, con người có thể làm bạn với robot cho tới khi chúng hoàn thiện giống hệt chúng ta. Điều này khiến bộ não nhận thức được một sự bất ổn đang diễn ra.

Vậy đâu là nơi hình thành nỗi sợ hãi hoặc cảm giác bất an trước robot trong não bộ con người? Để trả lời cho câu hỏi này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng máy fMRI và kỹ thuật không xâm lấn để đo, lập bản đồ hoạt động của não bộ. Từ đó, các nhà khoa học có thể theo dõi hoạt động thần kinh của các tình nguyện viên khi họ nhìn vào ảnh giữa robot và con người.

Các tình nguyện viên sau đó sẽ được sắp xếp dựa trên cách họ chọn các bức ảnh. Nhóm nghiên cứu sau đó hỏi các tình nguyện viên về việc họ chọn loại robot nào để làm quà cho người thân. Mỗi tình nguyện viên sẽ chỉ được chọn một bức ảnh chụp con người hoặc robot hình người. Tuy nhiên, gần như không có ai chọn những con robot quá giống con người.

Thông qua các kết quả đo lường, các nhà khoa học phát hiện thấy vùng amygdala và vỏ não trước trán của tình nguyện viên có những hoạt động bất thường khi nhìn vào những con robot giống y hệt con người. Có vẻ như bộ não của chúng ta đang hoài nghi về những con robot này và cảm thấy lo lắng.

Phần vỏ não trước trán thường nằm ở phía trước thùy trán là nơi chống lại bản tính nguyên thủy và có nhiệm vụ thôi thúc chúng ta. Phần não này ở người phát triển hơn so với các loài động vật khác. Nó cũng đóng góp lớn và việc hình thành đặc điểm tính cách của mỗi người.

Trong khi đó vùng amygdalae, thường nằm ở phía trước của thùy thái dương có nhiệm vụ giúp con người cảm nhận sự vật và đọc cảm xúc của người khác. Đây là một vùng rất quan trọng vì nó tạo ra cảm giác sợ hãi cho con người, giúp chúng ta xử lý các tình huống trong chiến đấu hoặc tránh tai nạn tốt hơn.

Con người đang không ngừng cải tiến robot và biến cỗ máy này trở thành một người bạn và người đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống. Do đó, việc từ bỏ chế tạo các mẫu robot giống hệt con người là đi ngược lại quá trình phát triển. Tuy nhiên, liệu con người có thể kiểm soát được robot hay không vẫn còn là câu chuyện chưa có lời giải vì không ai biết trong tương lai với sự hỗ trợ của AI, robot có định phản bội con người hay không.

Nhóm nghiên cứu hy vọng, những hiểu biết mới về sự sợ hãi của con ngưởi trước robot sẽ giúp cải thiện mối quan hệ và tạo ra một tương lai tốt hơn, nơi con người và robot chung sống hòa bình.

Nghiên cứu trên đã được đăng tải trên tạp chí Khoa học thần kinh mới đây.

Mai Huyền