Vì Trung Quốc đã có UnionPay

UnionPay hiện tại đang là đơn vị số 1 tại Trung Quốc trong ngành công nghiệp thẻ ngân hàng. Đây hiện tại cũng là công ty duy nhất cung cấp loại thẻ có thể liên kết với tất cả các máy rút tiền tự động (ATM) của tất cả các ngân hàng tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Visa và Mastercard với các loại thẻ tín dụng của mình đã bắn tín hiệu muốn tham gia thị trường Trung Quốc từ 10 - 15 năm trước. Tuy vậy, đến nay có vẻ như cánh cửa đang dần đóng lại với họ. Để hiểu rõ hơn về điều này, chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ hơn về thị trường thẻ ngân hàng tại Trung quốc.

Đến năm 2017, Trung Quốc đã có gần 6,7 tỷ thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đang lưu hành. Theo một công ty nghiên cứu, quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ vượt qua Mỹ trở thành thị trường thẻ ngân hàng lớn nhất thế giới vào năm 2019. Với một thị trường bùng nổ, tầng lớp trung lưu đang phát triển rất mạnh, Trung Quốc mang đến cơ hội lớn cho các công ty thẻ của Mỹ. Tuy vậy, điều này là không dễ dàng.

UnionPay hiện đang 'thống trị' tại thị trường thẻ ngân hàng ở Trung Quốc

Vào năm 2001, khi bắt đầu tham gia WTO, Trung Quốc đã hứa sẽ cho các hệ thống thanh toán nước ngoài vào thị trường này. Theo đó, đến năm 2006 thì các hệ thống thanh toán nước ngoài sẽ bắt đầu hoạt động tại Trung Quốc. Và đó là thời điểm mà Visa hay MasterCard chờ đợi. Cũng vào năm 2006, theo các báo cáo sau này thì khi đó mới chỉ có 17% tổng giao dịch mua hàng của người tiêu dùng là thực hiện qua thẻ. Đây chắc chắn là ‘miếng mồi béo bở' mà các hãng thẻ lớn của Mỹ muốn chen chân vào.

Tuy vậy, đến năm 2006 thì chẳng có sự thay đổi nào. Năm 2010, Mỹ đã đệ trình một vụ kiện lên WTO để chống lại việc Trung Quốc chưa ‘mở cửa' cho các công ty thẻ nước ngoài. Mỹ thắng vụ kiện đó nhưng thực tế Trung Quốc vẫn chưa cho phép sự xuất hiện của Visa hay Master.

Theo luật pháp Trung Quốc, tất cả các khoản thanh toán trong nước thực hiện bằng Nhân dân tệ sẽ được triển khai qua hệ thống thanh toán của nước này. Đến năm 2016, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ra quy tắc chính thức và theo đó các hệ thống thanh toán nước ngoài có thể vào thị trường đông dân nhất thế giới mà không cần thành lập liên doanh.

Như vậy, trên lý thuyết thì chẳng có một rào cản nào với các công ty như Visa hay MasterCard nếu muốn triển khai ở Trung Quốc. Đó là động lực khiến năm 2017, họ quyết định nộp đơn xin giấy phép để có thể vào nước này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các lá đơn này vẫn chưa được xem xét. Theo Financial Times thì Chính phủ Trung Quốc không chính thức chấp nhận và cũng không chính thức từ chối các đơn xin giấy phép này.

American Express có lẽ là thành công hơn trong quá trình xin giấy phép tại Trung Quốc so với Visa hay MasterCard. Họ xác nhận với CNN rằng ứng dụng của mình đã được Ngân hàng trung ương Trung Quốc chấp nhận. Tuy vậy, để có được điều này thì American Express cũng đã liên kết với một công ty dịch vụ thanh toán nội địa Trung Quốc là Lianlian Group.

Visa và MasterCard vẫn chưa thể thâm nhập thị trường Trung Quốc

Trở lại với thời điểm của những năm đầu thế kỷ 21. Năm 2002 - chỉ một năm sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, công ty thẻ UnionPay được thành lập. Trên con đường phát triển của mình, hiện tại công ty này đã chiếm tới 90% thị phần giao dịch thẻ ngân hàng ở Trung Quốc. Trên bình diện toàn thế giới, hiện tại, hệ thống thanh toán của Trung Quốc đã chiếm 44% thị trường thẻ ngân hàng trên thế giới về mặt thanh toán. Con số này của Visa hay MasterCard chỉ lần lượt là 21% và 16%.

Vì Visa và MasterCard đã ‘lạc hậu' tại Trung Quốc

Theo thống kê của KPMG, hiện nay có hơn 80% người dân Trung Quốc thích thanh toán bằng điện thoại di động. Còn theo đánh giá của công ty tư vấn iResearch thì vào năm 2016, thị trường thanh toán di động ở Trung Quốc được định giá khoảng 5.5 nghìn tỷ USD, gấp 50 lần thị trường Mỹ với 112 tỷ USD.

Sự tiện lợi của thanh toán di động khiến người dân nước này đang dần chuyển từ thẻ ngân hàng sang điện thoại thông minh nếu muốn thanh toán một thứ gì đó. Một số trường Đại học của Trung Quốc hiện đã cho phép sinh viên trả học phí và sinh hoạt phí thông qua điện thoại di động. Rất nhiều dự báo cho rằng nếu mô hình này được áp dụng trên toàn Quốc, thì mỗi năm các trường Đại học có thể tiết kiệm khoảng 44.034 USD cho việc sản xuất thẻ và 1.467.835 USD cho chi phí làm lại thẻ.

Thanh toán qua thẻ dường như đang trở nên 'lạc hậu' ở Trung Quốc

Hiện tại, Alipay và Wechat Pay đang là hai 'ông lớn' chiếm giữ hơn 90% thị phần ngành thanh toán di động ở Trung Quốc. Tại các thành phố lớn hiện nay, các cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm... hầu hết đã chấp nhận thanh toán qua điện thoại. Với các cửa hàng nhỏ lẻ thì QR code được đặt ngay bên ngoài giúp người dùng có thể quét mã để thanh toán. Điều này có nghĩa người dân Trung Quốc hiện nay đang dần chuyển từ phương thức dùng thẻ ngân hàng sang thanh toán di động bởi sự tiện lợi, dễ dàng hơn.

Như vậy, trải qua gần 20 năm mòn mỏi chờ đợi, đến hiện tại có vẻ như thời điểm Visa hay MasterCard xâm nhập được vào thị trường Trung Quốc vẫn chưa có lời giải. Và nếu vào được thì liệu có thành công khi mà UnionPay đã chiếm thị phần quá cao và gần như vị thế là không thể xoay chuyển trên thị trường thẻ ngân hàng. Hơn nữa, người Trung Quốc hiện tại đã thích dùng thanh toán di động hơn là thẻ ngân hàng.