Theo nguồn tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ,  ngày 10/10/2018, Hội thảo Quốc tế “Ứng dụng Công nghệ cao trong Nông nghiệp tại Việt Nam” đã được Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Công ty Cherry Media tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của gần 200 đại biểu. Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận các thông tin, các công nghệ mới từ các đơn vị nghiên cứu trong nước và trên thế giới, xác định nhu cầu của các doanh nghiệp, các khách hàng địa phương. Trên cơ sở đó đưa ra được các giải pháp mới, phù hợp, thực tế, hiệu quả dựa trên các nền tảng công nghệ hiện đại.

Tham gia Hội thảo, TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện Việt Nam đã có gần 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Dù còn nhiều hạn chế như tỷ lệ nhỏ ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế (chỉ gần 5% số doanh nghiệp nông lâm thủy sản được cấp chứng nhận VietGap và tương đương), nhưng với sự thay đổi tích cực của khu vực và thế giới, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh và đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh theo Bộ KH&CN

Tại Việt Nam, đã có nhiều mô hình thành công khi ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, từ những hộ quy mô sản xuất nhỏ, nhóm tổ sản xuất đến các doanh nghiệp cỡ lớn như mô hình sản xuất hoa của Dalat Hasfarm, mô hình trồng rau công nghệ cao VinEco của Vingroup, mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của Vinamilk, mô hình nuôi gà công nghệ cao theo tiêu chuẩn Global Gap của Hùng Nhơn Group,…

Tuy nhiên, các chuyên gia tại Hội thảo đều nhận định: Việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh đã xuất hiện nhưng còn rất ít. Vì thế, mô hình tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng đất đai và tài nguyên chưa cao.

Là một nước với 70% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam cần phải là một quốc gia không chỉ tự chủ về nông sản, mà còn phải xuất khẩu và xây dựng thương hiệu nông sản trên thế giới. Theo đó, Việt Nam phải có những sản phẩm nông sản sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... để đáp ứng các tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Đồng thời, Việt Nam cần phải ứng dụng những khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp.

Nếu nông nghiệp Việt Nam không có những thay đổi mạnh mẽ về KH&CN, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và tác động tiêu cực như tụt hậu về công nghệ, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và suy giảm sản xuất, kinh doanh.... sản phẩm tạo ra sẽ không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.

GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường ĐH Nam Cần Thơ, trong báo cáo Khoa học “Nông nghiệp Việt Nam đang ở đâu trên thang lên nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp 4.0” đã chia sẻ trong giai đoạn hiện tại, sự lựa chọn nông nghiệp 4.0 áp dụng trong chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp sẽ là việc ứng dụng các chế phẩm mới nhất trong quy trình sản xuất giảm mạnh phân bón hóa học, nhất là phân đạm, tăng cường phân hữu cơ kết hợp với phân sinh học chứa nhiều nguyên tố vi lượng và vi sinh vật kích kháng sâu bệnh cho tất cả cây trồng và vật nuôi. Điều này giúp nông dân làm giảm tác động biến đổi khí hậu, tiết kiệm chi phí, nhờ thế nông dân sẽ tăng lợi tức một cách vững chắc.

Hội thảo cũng chia sẻ và giải đáp các câu hỏi liên quan đến những khó khăn và thách thức đối với Nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam hiện nay và các chính sách tại khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương.