Việt Nam có thêm 5.600 doanh nghiệp công nghệ số

Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ TT&TT đưa ra tại buổi họp báo về Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3 và trao giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2021 do Bộ TT&TT tổ chức chiều 7/12.

Theo số liệu từ Bộ TT&TT, Việt Nam hiện có khoảng 64.000 doanh nghiệp công nghệ số với hơn 1 triệu nhân lực. Môi trường làm việc, kinh tế không tiếp xúc do đại dịch Covid-19 đã khiến chuyển đổi số diễn ra nhanh, mạnh mẽ hơn và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT)

"Số lượng doanh nghiệp Make in Viet Nam tăng lên rất nhiều. Trong năm 2021 ước tính có khoảng 5.600 doanh nghiệp mới được thành lập”, ông Tuyên nói. 

Nói rõ hơn về doanh nghiệp Make in Viet Nam, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho hay, doanh nghiệp Make in Viet Nam là các doanh nghiệp của Việt Nam và cả các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, nghiên cứu, chế tạo và sản xuất tại Việt Nam.

Ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam cũng đạt được kết quả tăng trưởng rất ấn tượng. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, hầu như kinh tế thế giới đều tăng trưởng âm. Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 2,91% và là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng dương. Ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trên 9%, gấp 3 lần so với tăng trưởng GDP.

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện nay không chỉ gia công, lắp ráp cho nước ngoài, với tinh thần Make in Viet Nam, các doanh nghiệp đã vươn lên, sản xuất và làm chủ những sản phẩm, nền tảng cho chuyển đổi số trong nước.

Theo Vụ CNTT, năm 2020 đã có hơn 30 nền tảng được Bộ TT&TT công bố đều là sản phẩm Make in Việt Nam. Rất nhiều sản phẩm về an toàn thông tin cũng được các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra. Trong năm 2021, với sự chủ trì, dẫn dắt của Bộ TT&TT các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển sang nghiên cứu các công nghệ mới như 5G, AI, Big Data. Đây là điều trước đây chưa có.

“Đó chính là sự lan tỏa của tinh thần Make in Viet Nam và chúng tôi kỳ vọng rằng sẽ lan tỏa hơn để xây dựng được nhiều doanh nghiệp Make in Viet Nam và có nhiều sản phẩm, nền tảng, niềm tự hào của người Việt Nam trong thời gian tới", ông Nguyễn Thanh Tuyên nói.

Doanh nghiệp Make in Viet Nam giải bài toán Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, với tinh thần Make in Viet Nam, sản phẩm của các doanh nghiệp công nghệ số đã được sử dụng và mang lại nhiều hiệu quả.

Thứ trưởng dẫn chứng cụ thể về chuyển đổi số các dịch vụ công, hệ thống quản lý văn bản của các địa phương hiện nay đều là của các doanh nghiệp Make in Vie Nam. Những trung tâm điều hành đô thị thông minh ở 38/địa phương đã xây dựng cũng là của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Trong khi đó, ở lĩnh vực kinh tế, Vỏ sò (Viettel Post) và Postmart (Vietnam Post) là hai sàn TMĐT hoàn toàn Make in Viet Nam, đã giúp đỡ người nông dân rất nhiều, nhất là trong đại dịch Covid-19. “Tinh thần Make in Viet Nam giải bài toán Việt Nam và đã đạt được nhiều thành công”, Thứ trưởng khẳng định.

Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3 và trao giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2021 sẽ chính thức diễn ra vào ngày 11/12 tới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Đây là năm thứ ba Bộ TT&TT chủ trì tổ chức Diễn đàn này.

Năm nay, Diễn đàn có chủ đề "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế" với 2 phiên tham luận chính bàn về doanh nghiệp công nghệ số giải các bài toán chuyển đổi số quốc gia và doanh nghiệp công nghệ số giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong và sau đại dịch Covid-19.

Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của cả xã hội để phát triển hàng chục, hàng trăm nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Duy Vũ

Chuyển đổi số sẽ là động lực chính cho phục hồi và phát triển kinh tế

Chuyển đổi số sẽ là động lực chính cho phục hồi và phát triển kinh tế

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số 2021 sẽ là diễn đàn hành động, giải các bài toán cụ thể để chuyển đổi số là động lực để phục hồi và phát triển kinh tế.