{keywords}

Tương đương các nước ASEAN 

Những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 là thời điểm bùng nổ của ngành thông tin vô tuyến điện. Tại Việt Nam, tiếp theo việc mở cửa kinh tế, chúng ta từng bước hội nhập với thế giới về viễn thông, bắt đầu từ việc hợp tác về thông tin quốc tế, thông tin vệ tinh và tiếp đến là mở cửa về thông tin di động. 

Từ năm 1991, Việt Nam đã phát triển thông tin di động 1G với công nghệ AMPS (Advanced Mobile Phone System), D-AMPS (Digital AMPS). Ngay sau đó, vào năm 1993, Việt Nam đã bắt đầu triển khai thông tin di động số (2G), khi mà mạng GSM chỉ mới thương mại hóa trên thế giới được 2 năm. 

Những năm tiếp theo là khoảng thời gian mà ngành viễn thông trong nước phát triển chậm hơn. Trong khi thế giới thương mại hóa 3G từ năm 2003 thì phải đến năm 2009, người dùng Việt mới lần đầu được tiếp xúc với 3G. 7 năm sau đó, vào năm 2016, công nghệ 4G mới chính thức được cấp phép. 

Ở thời điểm hiện tại, ông Dương Xuân Trường - Giám đốc Ciena Việt Nam, cho biết, mặc dù phát triển sau nhưng chúng ta đang tiếp cận các công nghệ mới rất nhanh. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, Internet tại Việt Nam đã phát triển rất nhanh và bùng nổ, cả về số lượng người sử dụng và băng thông. 

Ở góc nhìn của mình, vị giám đốc của Ciena - Một công ty chuyên về phần mềm, dịch vụ và hệ thống mạng cho biết, CNTT của Việt Nam đang tiệm cận với khu vực và thế giới về truyền dẫn, tự động hoá và phần mềm.

Độ trễ về công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực truyền dẫn gần như tương đương so với các nước thuộc khu vực ASEAN. Dù mới ra đời được khoảng 1 năm, công nghệ truyền dẫn 800Gbps trong vòng ba tháng tới sẽ xuất hiện tại Việt Nam, thông qua những hệ thống được Ciena xây dựng. 

Điều này có nghĩa là, độ trễ về công nghệ truyền dẫn ở Việt Nam chỉ chậm hơn khoảng 1 năm so với thế giới. Đây chính là cơ sở để Việt Nam có thể tự tin về lĩnh vực hạ tầng số, trong bối cảnh nhu cầu về chất lượng và băng thông Internet ngày một tăng lên nhằm đáp ứng tốt các nhu cầu của chuyển đổi số cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Lợi ích to lớn từ mạng 5G

Nhận xét về công nghệ 5G đang được chuẩn bị triển khai tại Việt Nam, ông Trường cho biết: “Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ cuộc đua 5G. Tại Việt Nam, Ciena là đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế các mạng quang đường trục kết nối hầu hết các vùng trên cả nước hiện nay. Ciena hiện đang cung ứng dịch vụ mạng thích ứng cho những nhà mạng hàng đầu tại Việt Nam như VNPT, MobiFone và FPT Telecom.

Theo ông Trường lợi ích đầu tiên của 5G mà người dùng Việt Nam sẽ nhận thấy là tốc độ.

Tốc độ cao sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng dữ liệu viễn thông. Ví dụ như với dịch vụ game, các trò chơi ngày càng có đồ họa cao hơn, đòi hỏi độ trễ ít hơn để người chơi có thể xử lý, trải nghiệm tốt hơn. Điều này sẽ được 5G giải quyết. 

Tiếp theo là vấn đề tự động hoá trong các nhà máy và tự động hóa ngành bán lẻ. Ví dụ khi mua hàng, người dùng chỉ cần đi qua cổng, hệ thống sẽ tự nhận biết họ mua hàng gì và trừ tiền trong tài khoản. 5G sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp có thể triển khai việc tự động hóa sản xuất, bán lẻ so với hiện tại, giám đốc Ciena Việt Nam cho biết. 

Bên cạnh đó, việc triển khai sớm dịch vụ 5G cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của chính phủ điện tử tại Việt Nam, cùng với đó là các tiện ích của thành phố thông minh và dịch vụ công trực tuyến. 

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong những thị trường được Ciena cung cấp mức giá cạnh tranh nhất. Đây là điều kiện cần thiết để các nhà mạng trong nước có thể tối ưu giá thành dịch vụ của mình để cung cấp các gói dịch vụ có giá thành cạnh tranh nhất đến người dùng đầu cuối.

Giá cả cạnh tranh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng Internet Việt Nam. Tuy vậy, điều mà một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn như Ciena đang hướng tới là gia tăng trải nghiệm người dùng. Đây mới là minh chứng cụ thể nhất cho sự phát triển của cả ngành ICT và phục vụ tốt hơn cho cuộc sống của người dân Việt Nam.

Thanh Phong