Việt Nam nỗ lực và đặt quyết tâm cao trong xây dựng Chính phủ điện tử. Ảnh minh họa

Chính phủ Việt Nam đang thể hiện những nỗ lực và quyết tâm cao trong việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số minh bạch, hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân.

Theo đó, một loạt các kế hoạch, chương trình được đặt ra, phấn đấu đưa Việt Nam vào Top 4 ASEAN về dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ - cơ quan được Chính phủ giao chủ trì việc triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vào năm 2014 đã lần đầu tiên đưa ra khuyến nghị về các chiến lược Chính phủ số. Trong đó, OECD phân biệt rõ giữa Chính phủ điện tử (nơi công nghệ được ứng dụng để cải tiến hiệu quả các quá trình hiện hữu) và Chính phủ số (nơi các dịch vụ được hình thành ý tưởng và cung cấp theo những cách đổi mới và sáng tạo nhờ có sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại).

Theo định nghĩa của OECD, “Chính phủ điện tử” (E-Government) là việc Chính phủ sử dụng các CNTT và truyền thông (ICT), đặc biệt là Internet, như một công cụ để đạt được hiệu quả tốt hơn. Còn “Chính phủ số” (Digital Government) là việc sử dụng các công nghệ số, như một phần thiết yếu trong các chiến lược hiện đại hóa Chính phủ để tạo ra các giá trị công. Quá trình này dựa trên một hệ sinh thái Chính phủ số bao gồm các tác nhân liên quan đến Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân, thúc đẩy sự tạo ra và truy cập dữ liệu, dịch vụ và nội dung thông qua sự tương tác với Chính phủ.

Các đặc trưng chính của Chính phủ số theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới - tổ chức lớn nhất toàn cầu về đấu tranh chống đói nghèo và nâng cao mức sống của người dân các nước đang phát triển, bao gồm: Các nguyên tắc đối với dịch vụ của Chính phủ số (mặc định là số hóa; không phụ thuộc thiết bị, hướng tới thiết bị di động; thiết kế dịch vụ lấy người dùng làm trung tâm; số hóa hoàn toàn; Chính phủ là nền tảng - Platform), Các khối tiêu chuẩn của Chính phủ số (Một cổng duy nhất; dữ liệu được tích hợp và chia sẻ trong toàn bộ khu vực công; các dịch vụ liên bộ, liên ngành hoặc liên vùng được chia sẻ; cơ sở hạ tầng của Chính phủ được dùng chung; các mạng cảm biến và khả năng phân tích dữ liệu được cải thiện; an toàn thông tin mạng và bảo đảm tính riêng tư), Kỹ năng và yếu tố dẫn dắt của Chính phủ số (khả năng lãnh đạo và điều hành chính quyền; đổi mới trong nội bộ Chính phủ; thay đổi kỹ năng và văn hóa).

Chính phủ số được công nhận là một sáng kiến quan trọng đối với cải cách hành chính công, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu nỗ lực cho cả chính phủ và người dân. Việc xây dựng Chính phủ số tạo ra các giá trị mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công, giúp các Chính phủ minh bạch và hiệu quả hơn. Trong khi đó, dữ liệu mở sẽ tạo động lực cho phép mọi người truy cập và sử dụng dữ liệu giúp thông tin được nhanh chóng, chính xác, tạo các cơ hội lớn để phát triển kinh tế số.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những bước tiến nhất định trong việc xây dựng Chính phủ số. Estonia là một ví dụ điển hình. Quốc gia nhỏ bé này dành từ 1% - 1,4% ngân sách hàng năm cho xây dựng Chính phủ điện tử, giúp thu về thêm 2% GDP mỗi năm, 99% dịch vụ công của Estonia được cung cấp trực tuyến, biến mọi công dân thành công dân điện tử, mọi doanh nghiệp thành doanh nghiệp điện tử.

Trong khi đó, năm 2009 Malaysia thành lập Cơ quan quản lý và đảm bảo hiệu quả Chính phủ (Performance Management Delivery Unit - PEMANDU) nhằm đảm bảo cho sự thành công của Chương trình chuyển đổi Quốc gia (National Transform Program - NTP). Trong vòng 8, PEMANDU giúp Malaysia tạo ra được 2,6 triệu việc làm; tỉ lệ thâm hụt ngân sách giảm từ 6,6% còn hơn 3%.