Một trong những mục tiêu của việc xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia là tạo ra khung công việc để phối hợp và thống nhất hành động của Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội trong chuyển đổi số (Ảnh minh họa: Internet)

Tại Nghị quyết 01 ngày 1/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Bộ TT&TT đã được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia, với thời hạn trình Đề án là tháng 11/2019.

Đề án Chuyển đổi số quốc gia đang được Bộ TT&TT giao Cục Tin hóa trực tiếp soạn thảo. Đề án này được xây dựng với mục đích hiện thực hóa các định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội nhờ công nghệ số; tạo ra khung công việc để phối hợp và thống nhất hành động của Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội trong chuyển đổi số; đồng thời tạo cơ sở, khung để phân bổ nguồn lực cho phát triển đất nước theo các định hướng chuyển đổi số.

Trong chia sẻ tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Bộ TT&TT mới đây, trên cơ sở phân tích những thách thức và cơ hội của Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc cho biết, tại dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia, Cục Tin học hóa đề xuất tầm nhìn chuyển đổi số Việt Nam đến năm 2030 là “Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu khu vực, nơi cho phép thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới trong kinh tế số. Mọi người đều có thể tham gia và không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số. Đặc biệt, cần phải giữ gìn những giá trị cơ bản của con người”.

Cũng theo ông Phúc, các nhóm mục tiêu lớn đến năm 2030 được đưa ra trong dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia gồm có: Nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng kinh tế số trung bình 20%/năm, năng suất lao động tăng trưởng hàng năm 7-10%, đưa Việt Nam vào Top 20 thế giới và Top 3 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu; Chính phủ minh bạch và hiệu quả, với mục tiêu có tên trong Top 50 thế giới về xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, về xã hội số, mục tiêu dự thảo Đề án đặt ra đến năm 2030 là phấn đấu 100% người dùng di động có thể sử dụng được dịch vụ thanh toán di động Mobile Payment, 100% người dân có Internet băng rộng và điện thoại thông minh.

“Cùng với đó, các hình thức định danh điện tử được nhà nước công nhận và sử dụng rộng rãi góp phần thúc đẩy không chỉ giao dịch giữa người dân với cơ quan nhà nước mà cả các giao dịch khác trong nền kinh tế số. Người dân sẽ được hưởng một cuộc sống an toàn, hạnh phúc trên không gian mạng. Đây là điều hết sức quan trọng”, ông Phúc cho hay.

Một nhóm mục tiêu lớn nữa của dự thảo Đề án cũng được Cục trưởng Cục Tin học hóa nhấn mạnh, đó là nhóm mục tiêu về phát triển nhân lực trong kỷ nguyên số, với kỳ vọng đến năm 2030 mọi người dân Việt Nam đều được trang bị những kỹ năng số cần thiết để có thể sống hạnh phúc và an toàn trên không gian mạng. Đồng thời, nguồn nhân lực ICT phải đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Về lộ chuyển đổi số Việt Nam, theo đề xuất của Cục Tin học hóa, sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Theo đó, từ năm 2020 đến hết năm 2022 là giai đoạn tăng tốc, sẽ tập trung đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số xã hội và chuyển đổi số cơ quan nhà nước. Trong giai đoạn cạnh tranh kéo dài từ năm 2023 đến hết năm 2025, sẽ tập trung chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, tạo ra các nguồn lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp đó, trong giai đoạn chuyển đổi bắt đầu từ năm 2026 đến hết năm 2030, chuyển đổi số Việt Nam sẽ hướng tới phát triển một nền kinh tế số, xã hội số toàn diện.

Đánh giá về hiện trạng chuyển đổi số Việt Nam, tại dự thảo 1.05 của Đề án chuyển số quốc gia, Cục Tin hóa cho rằng, tại Việt Nam, ứng dụng và phát triển ICT cũng đã được quan tâm, đã trải đều trên các lĩnh vực cần chuyển đổi. Tuy nhiên, đa phần các ứng dụng và phát triển ICT ở đây chưa thực sự là chuyển đổi số, tức là chưa tạo được chuyển đổi đột phá về mô hình, quy trình sản xuất, sản phẩm dựa trên dữ liệu và công nghệ số.

Cơ quan xây dựng dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế, là tất yếu trong thời đại ngày nay, đó là cơ hội cho các nước, các doanh nghiệp vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng cũng là nguy cơ tụt hậu, bị bỏ lại ngày càng xa đối với ai không quan tâm đến nó.

“Chuyển đổi số không đơn giản là mức ứng dụng và phát triển cao hơn của ICT, mà phải được hiểu là nút đột phá, một “điểm kì dị” trong phát triển kinh tế xã hội. Khi đó, dữ liệu và công nghệ số làm chuyển đổi, cải biến toàn diện mô hình, quy trình, sản phẩm/kết quả đầu ra của quá trình sản xuất, kinh doanh trong xã hội… Chuyển đổi số tại Việt Nam thời gian tới là tất yếu nếu chúng ta muốn có những bứt phá trong phát triển kinh tế xã hội, không bị bỏ lại trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để chuyển đổi số thành công, cần phải có sự đầu tư nguồn lực, quyết tâm thực hiện của tất cả các thành phần trong xã hội, đặc biệt phải khắc phục ngay được những hạn chế hiện nay”, Cục Tin học hóa nêu.