Phát triển bền vững rất cần sáng tạo Việt

Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt phát triển có tính lịch sử. Khát vọng Việt là trong thập niên tới, Việt Nam tăng tốc phát triển bền vững, trở thành một nước thu nhập trung bình cao, hiện đại và vươn tiếp tới năm 2045 trở thành một nước thu nhập cao, thịnh vượng, thực hiện mục tiêu được ghi rõ trong Hiến pháp của Việt Nam: “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”.

Doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội từ cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số để tăng tốc phát triển.  Ảnh: Thanh Hải

Ý chí vươn lên của Việt Nam càng được hun đúc, nhân bội lần trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và kỷ nguyên số đang làm thay đổi sâu sắc mọi chiều cạnh đời sống kinh tế - xã hội trên toàn phạm vi toàn cầu, tạo ra sự chuyển đổi thật sự có tính cách mạng. Suy nghĩ, lựa chọn và hành động cho khát vọng Việt không chỉ là “bắt kịp” mà còn “tiến cùng” và thậm chí có những chiều cạnh “vượt lên” thời đại.

Tạo bước ngoặt thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững rất cần sáng tạo Việt, và đây cũng là một trong các trụ cột cần đột phá cải cách. Một dân tộc tràn đầy sức sống suốt hàng nghìn năm dựng và giữ nước không thể thiếu bản lĩnh và sáng tạo. Song chất công nghệ, sáng tạo, trong tiến trình phát triển đất nước suốt thời gian dài qua, nhất là trong hoạt động kinh tế, còn thấp.

Theo “Chỉ số sáng tạo toàn cầu” do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, năm 2019, Việt Nam đã cải thiện 17 bậc so với năm 2016, đứng thứ 3 trong ASEAN,  sau Singapore và Malaysia, nhưng cũng chỉ xếp hạng 42/129 quốc gia. Điều đáng nói hơn, với “Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 4.0”, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 67 trên 140 nền kinh tế khảo sát (tăng 10 bậc so với năm 2018). Trong đó, hai chỉ số về sự năng động kinh doanh và năng lực sáng tạo, Việt Nam xếp hạng thấp hơn nhiều, tương ứng 89 (từ 101) và 76 (từ 82). Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá ở ngưỡng thấp nhất, ngưỡng “quốc gia sơ khởi”, trong sẵn sàng đối với CMCN 4.0, xét trong bốn thứ hạng là: dẫn đầu (leading); có tiềm năng cao (high-potential); kế thừa (legacy); sơ khởi (nascent) (WEF 2018). Rõ ràng, còn xa Việt Nam mới có thể hài lòng về việc phát huy và nâng cao năng lực sáng tạo của mình.

Có một nguyên nhân ở đây là thiếu sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là của người đứng đầu, chưa đủ “đau đáu” trong nghĩ suy và lại thiếu quyết liệt trên thực tế. Nguyên nhân nữa là trong một thời gian dài cho đến gần đây, Việt Nam chưa xem doanh nghiệp gắn bó với R&D là hạt nhân của Hệ thống Sáng tạo quốc gia (NIS).

Doanh nghiệp phải có khát vọng, dấn thân

Đến nay, đất nước đã có hơn 750.000 doanh nghiệp cùng sự nổi lên của hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startups) và nhiều tập đoàn, công ty lớn.

Song nhìn tổng thể, lực lượng doanh nghiệp Việt vẫn là “lượng tăng, chất yếu”. Doanh nghiệp Việt có “lớn” những chưa đủ “lớn mạnh”. Giá trị thương hiệu Việt Nam vẫn “thua” nhiều các nước trong khu vực Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, và Indonesia. Nhìn kỹ hơn, doanh nghiệp Việt chủ yếu ở vị trí mới nhập cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số. Theo điều tra năm 2018 của Bộ Công Thương, tỷ lệ này chiếm tới 82% doanh nghiệp, và có tới 16/17 ngành khảo sát đang có mức độ sẵn sàng thấp dù phần lớn có ý thức “số”.

Tất cả những điều đó chứng tỏ còn có rất nhiều trở ngại cả về chính sách, cả nằm trong chính bản thân doanh nghiệp, đối với khởi nghiệp sáng tạo và để doanh nghiệp Việt thực sự lớn mạnh.

Nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài Việt Nam cần tập trung xử lý là phải “xây nhà từ móng”, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) cùng startups. Có bốn vấn đề cần thực sự cải thiện ở đây. Một là thực thi quyền tài sản, nhất là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu trí tuệ. Hai là đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, hạn chế độc quyền. Ba là tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực như mặt bằng sản xuất, tín dụng, lao động có kỹ năng... Và bốn là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao khả năng giải trình, tính minh bạch của bộ máy nhà nước để giảm thiểu chi phí giao dịch (công sức, tiền bạc, thời gian) cho doanh nghiệp.

Không chỉ tạo dựng các công ty/tập đoàn tư nhân lớn trở nên lớn mạnh mà căn cơ hơn, cần tạo dựng nền móng tốt nhất cho SMEs và startup ra đời và trưởng thành. Đây chính là những hạt mầm cho sự hình thành các doanh nghiệp có khả năng sáng tạo, có thương hiệu toàn cầu và đi đầu trong tương lai.

Chuyển đổi số nhằm tạo bước nhảy vượt bậc

Chuyển đổi số doanh nghiệp là một tiến trình đầy gian lao. Cũng không có đáp án sẵn cho chuyển đổi số đối với mọi doanh nghiệp. Song những đúc rút từ kinh nghiệm thực tế về cách tiếp cận, cách xử lý những vấn đề trọng tâm, và việc hình thành, triển khai thực thi chiến lược chuyển đổi số là rất đáng tham khảo để doanh nghiệp chuyển đổi số thắng lợi. Có ba bài học lớn nhất ở đây, đó là “nghĩ lớn, làm cụ thể”, thực thi quyết liệt từ những việc nhỏ, có tính sáng tạo và mức độ lan tỏa cao; gắn bó chuyển đổi số với chiến lược công ty; lãnh đạo phải đi tiên phong.

Trong bối cảnh mới, nỗ lực tự thân của công ty/tập đoàn có ý nghĩa quyết định để “lớn mạnh”. Những hỗ trợ thích hợp, thiết thực của Nhà nước cũng rất cần thiết cho tiến trình đó.

Cũng có thể có các hỗ trợ tài chính trực tiếp và gián tiếp phù hợp (như giảm thuế thu nhập cho công ty và/hay các lao động  có kỹ năng cao và cung cấp vốn cho các doanh nghiệp có trải nghiệm tốt về sáng tạo được chứng thực). Cách hỗ trợ các tập đoàn, công ty như vậy phải là “hỗ trợ người thắng cuộc”, qua kết quả thị trường phản ánh, chứ không phải là “lựa chọn người thắng cuộc”. Những công ty/tập đoàn tốt nhất cũng có thể nhận các đơn đặt hàng R&D của Nhà nước qua một quá trình đánh giá, thẩm định có tính cạnh tranh và đo lường được.

Khát vọng đất nước Việt Nam là nhanh chóng “bắt kịp” và “tiến cùng” thời đại. Không đổi mới mạnh mẽ về tư duy, thiếu quyết tâm chính trị, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội phát triển và tụt hậu xa hơn. Trong bối cảnh mới, tự tin cùng tư duy khoa học và cách tiếp cận thực tiễn là cần, song chưa đủ. Việt Nam cần cả tốc độ và do vậy, phải quyết liệt, cả trong nhận thức, cả trong xây dựng chiến lược và nhất là trong hành động.