Trong báo cáo gần nhất của DHL, Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và chính trị ổn định, cộng với việc hỗ trợ thương mại và kinh doanh một cách tối đa.

{keywords}
Bên trong một phòng thí nghiệm của nhà mạng tại Việt Nam khai trương năm 2017. (Ảnh: Hải Đăng)

Hãng vận chuyển DHL và Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York vừa công bố báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu (Global Connectedness Index - CGI) DHL, lần phát hành thứ 10. Báo cáo thường niên này đưa ra những phân tích về tác động của đại dịch lên toàn cầu hóa, được đo lường thông qua các tiêu chí về thương mại, vốn, thông tin và con người. 

Bên cạnh đưa ra các đánh giá chung, báo cáo này xếp hạng Chỉ số kết nối toàn cầu cho từng quốc gia. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 38 trong tổng số 139 quốc gia trên toàn cầu. Báo cáo cũng dẫn số liệu từ bên thứ 3 cho hay, Việt Nam xếp thứ 1 trong việc hỗ trợ thương mại và kinh doanh trong số 48 nước được đánh giá.

Trong bản báo cáo có tên “Bài học 10 năm của Chỉ số kết nối toàn cầu DHL”, các nhà nghiên cứu đã chọn Việt Nam cùng với 4 quốc gia khác làm ví dụ vì có thành tích vượt trội trong vòng 2 thập kỷ mà DHL phân tích chỉ số GCI. 

Các quốc gia khác được dẫn minh hoạ khác bao gồm: Hà Lan, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Sierra Leone, Mexico. 

Bài phân tích chỉ rõ các yếu tố giúp Việt Nam có tốc độ thăng hạng rất tốt về chỉ số kết nối toàn cầu.

Theo đó, Việt Nam nằm trong số các nước vượt hơn kỳ vọng về phát triển kinh tế, dân số, và sự thân thiện với thị trường nước ngoài. 

Vào năm 1985, GDP trên đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 500USD, nằm trong số các nước nghèo nhất thế giới. Sau đó, việc mở cửa kinh tế giúp Việt Nam bứt lên. Hiện nay nước ta đang trong nhóm thu nhập trung bình, với GDP đầu người 2.715USD.

Theo đánh giá của DHL, dựa trên đặc điểm của Việt Nam, nước này có thể được xếp ở mức 91 trong chỉ số CGI. Cộng thêm với việc lọt vào nhóm quốc gia thu nhập trung bình, thứ hạng nước ta có thể cải thiện lên 76. Tuy nhiên Việt Nam đã vượt kỳ vọng khi đạt thứ hạng 38. 

Việt Nam được đánh giá là một nước yên bình, xếp ở vị trí thứ 58 theo chỉ số hoà bình toàn cầu (Global Peace Index) năm 2019. Do đó, điểm số về an toàn và an ninh, cộng với ổn định chính trị nội địa và bang giao quốc tế được đánh giá cao. Những yếu tố này giúp Việt Nam gia tăng điểm số CGI.

Môi trường kinh doanh nội địa tại Việt Nam gia tăng một cách ấn tượng. Việt Nam xếp 67/138 trong Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index), là nước tiến bộ nhất trong tất cả các nước khi xét về tiêu chí này. Trong đó, sự cải thiện rõ nhất là khả năng ứng dụng CNTT và hệ thống tài chính. Ngoài ra, nước này có tiềm năng để cải thiện thêm kỹ năng nhân công, thể chế và sự năng động kinh doanh, cũng như năng lực đổi mới sáng tạo (để tăng điểm CGI).

Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách thúc đẩy dòng chảy quốc tế, đặc biệt tập trung vào thương mại hàng hóa, góp phần đưa Việt Nam vươn lên vị trí thứ 5 trong tiêu chí về thương mại. Việc này là nhờ Việt Nam tích cực ký kết và tham gia vào các tổ chức thương mại trong khu vực và trên toàn cầu. 

Dù có thứ hạng cao về các vấn đề thương mại, Việt Nam lại đạt điểm thấp hơn trong các lĩnh vực khác, bài viết của các chuyên gia đánh giá.

Ví dụ, ngoại trừ 24 quốc gia được miễn thị thực, Việt Nam yêu cầu tất cả công dân các nước còn lại phải đảm bảo thị thực khi nhập cảnh; và du khách từ Việt Nam cũng phải có thị thực để đi du lịch đến hầu hết các nước ngoài (chỉ có 54 quốc gia miễn thị thực cho du khách Việt Nam).

Thêm vào đó, Việt Nam với tư cách là thành viên của ASEAN, một trong những khối thương mại đang lên. Tuy nhiên, chỉ 12% tổng lưu lượng thương mại, vốn, thông tin và dòng người của Việt Nam liên kết với các nước ASEAN, khiến nước này trở thành quốc gia ít tập trung vào khu vực nhất trong khối (ngược lại, Thái Lan đạt 28%, Campuchia 35%, và Lào 61%).

Trong khi đó, Việt Nam lại là một điểm sáng của toàn cầu về việc hỗ trợ cho các mối quan hệ thương mại và kinh doanh. Trong khảo sát Pew, 95% số người được hỏi đánh giá cao Việt Nam trong vấn đề nói trên, mức cao nhất so với tất cả các quốc gia được khảo sát kể từ năm 2014. 

Song song đó, 88% người Việt Nam trả lời khảo sát của Pew cho rằng cuộc sống ngày nay tốt hơn 50 năm trước. Con số này cao hơn bất kỳ quốc gia nào trong số 37 quốc gia được hỏi, và cao hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu.

Hải Đăng

CNTT Việt Nam đang có sự phân chia đầu tư, phát triển công nghệ

CNTT Việt Nam đang có sự phân chia đầu tư, phát triển công nghệ

Theo Ban tổ chức giải thưởng Sao Khuê 2021, ngành CNTT Việt Nam đang có sự phân chia đầu tư, phát triển công nghệ: các doanh nghiệp lớn tập trung xây nền tảng và doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn đầu tư sáng tạo sản phẩm, giải pháp.