Tìm kiếm các bài toán và giải pháp chuyển đổi số

Chiều 22/7, Bộ TT&TT chính thức công bố cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp Chuyển đổi số Quốc gia (Viet Solutions) 2022. Đây là năm thứ 3 cuộc thi được Bộ TT&TT phối hợp với Tập đoàn Viettel và các đơn vị tổ chức. Cuộc thi năm nay có nhiều đổi mới, là tập hợp các bài toán, vấn đề và lời giải để Việt Nam bứt phá bằng chuyển đổi số.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng đưa ra khái quát nhận thức rằng: “Câu hỏi đúng thì quan trọng hơn câu trả lời, bài toán tường minh thì quan trọng hơn lời giải. Việc khó với mình thì có thể là không khó với một ai đấy ngoài kia. Bởi vậy mà cách tốt nhất để phát triển là công khai bài toán của mình, công khai vấn đề của mình”. Cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Việt - Viet Solutions đã được ra đời từ chính nhận thức và thực tế đó.

Theo Thứ trưởng, Viet Solutions năm 2022 có một số thay đổi cơ bản. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ đồng hành cùng Bộ TT&TT trong việc đánh giá hiệu quả và lựa chọn giải pháp công nghệ xuất sắc. Bộ TT&TT đóng vai trò cầu nối, kết nối giữa người ra bài toán và người giải bài toán.

{keywords}
Viet Solutions lần đầu trao giải cho tổ chức, cá nhân nêu được bài toán chuyển đổi số.

Cuộc thi cũng nhấn mạnh cả vai trò của người đưa ra bài toán và ứng dụng thành công giải pháp thay vì chỉ vinh danh doanh nghiệp công nghệ sáng tạo các giải pháp hay như trước đây. “Một câu hỏi hay có thể có sức mạnh làm thay đổi thứ hạng quốc gia. Một bài toán được định nghĩa đúng, tường minh có thể thay đổi một cơ quan, tổ chức. Bộ TT&TT mong muốn các cơ quan, tổ chức tham gia tích cực định nghĩa, công bố bài toán của mình”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.

Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng cho rằng, một bài toán được định nghĩa tường minh có thể mở ra cơ hội, thị trường và không gian phát triển mới cho doanh nghiệp công nghệ. Cuộc thi Viet Solutions chính là cơ hội lớn để mang công nghệ số vào từng ngành, từng lĩnh vực. Trước đây, doanh nghiệp thường mất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu thị trường, tìm hiểu đối tác, tìm hiểu vấn đề, tìm kiếm người dùng. Thông qua cuộc thi Viet Solutions, các bài toán và khách hàng tiềm năng đã được mang đến gần hơn với những doanh nghiệp công nghệ số.

“Bộ TT&TT mong muốn các doanh nghiệp công nghệ số hãy coi đây là một cơ hội tốt, tích cực tham gia xây dựng các giải pháp công nghệ để giải quyết nỗi đau của xã hội, từ đó tìm kiếm cơ hội cho mình”, Thứ trưởng chia sẻ.

Giải đáp thắc mắc của phóng viên về việc một giải pháp ở địa phương này có thể triển khai ở địa phương khác hay không, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, mỗi giải pháp phụ thuộc vào bối cảnh đặc thù. Do đó, Bộ TT&TT tiếp cận cách tập hợp, đưa các giải pháp, câu chuyện chuyển đổi số thành công trên cổng https://t63.mic.gov.vn/.

Đồng thời, cuộc thi Viet Solutions cũng đang mong muốn tìm kiếm và thử nghiệm câu chuyện thành công của địa phương này có nhân rộng sang địa phương khác được hay không.

“Một trong những tiêu chí để trao giải của năm nay là sáng kiến có thể nhân rộng ra toàn quốc, chúng tôi đang rất mong muốn được kiểm chứng điều đó”, Thứ trưởng nói.

Các tập đoàn lớn cần sự đồng hành của startup nhiều ý tưởng

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các tập đoàn công nghệ lớn có công khai các bài toán của mình và muốn xã hội cùng giải quyết hay không, đại diện Viettel Telecom cho rằng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đều có nhiều vấn đề và bài toán lớn cần giải quyết và cần sự đồng hành của các startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Có rất nhiều vấn đề tồn tại trong xã hội và nếu chỉ dựa vào nguồn lực của Viettel thì không thể giải quyết hết được. Khi chúng ta gặp phải các vấn đề, cần giải bài toán ở các khía cạnh thì cần xã hội hóa, cần các stasrtup có nhiều ý tưởng, nhiều cách giải quyết và cách áp dụng công nghệ mới”, vị này nói.

{keywords}
Ông Hà Thái Bảo, lãnh đạo VNPT- IT trả lời câu hỏi của phóng viên.

Cùng quan điểm, đại diện VNPT IT ông Hà Thái Bảo cho rằng những doanh nghiệp công nghệ lớn như VNPT cần giải quyết được các bài toán của các bộ, ban, ngành đặt ra và phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Do đó, doanh nghiệp này cũng mong muốn có sự hợp tác, đồng hành cùng các startup.

Về vấn đề các startup lo ngại việc sao chép ý tưởng khi tham gia cuộc thi và bắt tay với các tập đoàn lớn, ông Hoàng Anh Tú, đại diện Ban tổ chức Viet Solutions nhận định rằng không chỉ riêng Việt Nam mà các nước trên thế giới, các doanh nghiệp lớn thường đồng hành cùng các startup khi tìm kiếm giải pháp công nghệ. “Doanh nghiệp lớn đôi khi lại hạn hẹp ý tưởng, trong khi starup nhiều ý tưởng mới nhưng lại chưa có tiềm lực tài chính. Đây là câu chuyện win – win của cả hai phía”, ông Tú nói.

Duy Vũ

Khi cấp huyện muốn chuyển đổi số theo kiểu “may đo”

Khi cấp huyện muốn chuyển đổi số theo kiểu “may đo”

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư huyện Mê Linh nhấn mạnh, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu cho sự phát triển của huyện, trước hết là ứng dụng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh.