VNPT đang đồng hành với 28 tỉnh, thành phố trong cả nước như TP HCM, Hà Nội, Kiên Giang, Tiền Giang, Lâm Đồng, Cần Thơ, Đắk Lắk, Cà Mau, Lào Cai... từng bước xây dựng các đô thị thông minh, chính quyền điện tử tại Việt Nam.

Các giải pháp CNTT của VNPT đã và đang được triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố trong quá trình hợp tác với VNPT đã có sự phát triển vượt bậc về chỉ số ICT Index, đồng thời đang thực hiện những bước đi đầu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng đô thị thông minh, hiện đại, bền vững. Đến nay, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 55 UBND tỉnh, thành phố, 6 bộ, ngành về việc triển khai ứng dụng viễn thông và CNTT.

Trong những năm gần đây, trước xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, việc triển khai Chính phủ điện tử được xem là tất yếu nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh,tăng năng suất lao động và là tiền đề để xây dựng xã hội phát triển bền vững, tốt đẹp hơn.

Trong xu thế đó, VNPT đang có bước chuyển đổi mạnh mẽ để trở thành nhà cung cấp các sản phẩm dịch vụ số hiện đại, tích cực góp phần vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số của đất nước. Hiện, VNPT đang tập trung nguồn lực để nghiên cứu, phát triển các giải pháp trên nền tảng công nghệ 4.0 nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết của đất nước. Cụ thể như: ứng dụng Trí tuệ nhân tạo và phân tich dữ liệu lớn trong lĩnh vực y tế để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh, giải pháp này rất quan trọng giúp cho các bệnh viện ở các tuyến trong điều kiện khó khăn về trang thiết bị và thiếu hụt các bác sĩ chuyên ngành giỏi vẫn có thể chuẩn doán và điều thị các ca bệnh khó. Trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, chúng ta đề cập nhiều đến các giải pháp nuôi trồng trong nhà mành, nhà kính, các giải pháp này rất tốt tuy nhiên không đáp ứng được yêu cầu của đa số nông dân Việt Nam, những người không đủ khả năng để đầu tư. Do vậy, VNPT nghiên cứu ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (big data) trong lĩnh vực nông nghiệp để dự đoán tình hình dịch bệnh và xây dựng các biện pháp phòng ngừa, dự báo kết quả mùa màng nhắm xây dựng các giải pháp tiêu thụ và phân phối.

Ngoài ra, VNPT cũng triển khai ứng dụng Internet vạn vật trong các lĩnh vực giao thông, an ninh trật tự, môi trường mang đến cuộc sống chất lượng, an toàn hơn cho người dân đô thị; ứng dụng công nghệ thực tại ảo và dữ liệu lớn để nâng cao trải nghiệm của khách du lịch, góp phần đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của đất nước. VNPT cũng đang tích cực hợp tác với các Tập đoàn công nghệ và Trung tâm nghiên cứu trên thế giới để thử nghiệm công nghệ blockchain trong lĩnh vực y tế, giáo dục và chính quyền số. Trên nền tảng đó, VNPT đã thử nghiệm và vận hành các công nghệ mới, thiết lập các kết nối thông minh, cung cấp các dịch vụ tiện ích, các dịch vụ ứng dụng CNTT thông minh. VNPT luôn có kế hoạch hành động quyết liệt cụ thể để tận dụng mọi cơ hội, phát huy mọi nguồn lực cho phát triển CNTT để bắt kịp với xu thế phát triển thế giới. Trong đó, hỗ trợ các tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử là một trong những nhiệm vụ mà VNPT đặc biệt quan tâm và chú trọng triển khai.

VNPT sẽ dành mọi nguồn lực trong việc phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái Chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng Chính quyền số và các giải pháp thông minh. Với sự thay đổi về công nghệ, khái niệm đô thị thông minh không còn là mục tiêu quá xa vời với Việt Nam. VNPT sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh, thành trong việc khảo sát, xây dựng khung đô thị thông minh để hình thành một khung kết nối tất cả các hệ thống, trong tất cả các lĩnh vực y tế, giao thông, nông lâm nghiệp…thông minh. Khung kiến trúc này hoàn toàn mở để các giải pháp của doanh nghiệp khác đều có thể tham gia cung cấp giải pháp trong các lĩnh vực khác nhau.

Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành ngày 14/10/2015 hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.