VNPT, Viettel, MobiFone cần ưu tiên ứng dụng IPv6 cho các dịch vụ công nghệ mới

Cùng với MobiFone và Viettel, VNPT cũng được Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia khuyến nghị cần ưu tiên ứng dụng triển khai IPv6 cho các dịch vụ công nghệ mới như IoT, Smart City và 5G.

Như ICTnews đã đưa tin, thực hiện Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2018, trong 2 ngày 13 - 14/11 vừa qua, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã lần lượt làm việc với Viettel, MobiFone, VNPT để cập nhật kết quả triển khai cũng như ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của 3 nhà mạng viễn thông lớn này trong việc thực hiện chuyển đổi IPv6.

Trên cơ sở các nội dung làm việc thực tế tại các doanh nghiệp, nhằm tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia với VNPT, Viettel và MobiFone, cùng hướng tới hoàn thành mục tiêu tổng thể của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 là Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 và tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam tương đương hoặc cao hơn tỉ lệ chung toàn cầu, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Thường trực Ban công tác vừa chính thức đề nghị 3 đơn vị này tập trung triển khai một số nội dung, giải pháp trong thời gian tới.

Cụ thể, Ban công tác đề nghị 3 nhà mạng tới đây tăng cường hơn nữa công tác ứng dụng triển khai IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của đơn vị mình; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng, trên toàn diện các mảng: dịch vụ băng rộng cố định, dịch vụ di động, dịch vụ IDC và các dịch vụ khác, hướng tới tỉ lệ ứng dụng IPv6 của mỗi nhà mạng đạt hoặc cao hơn mức mục tiêu chung của Việt Nam - tối thiểu là 30% trên các mảng dịch vụ vào năm 2019. Ban công tác mong muốn VNPT, Viettel và MobiFone trở thành những doanh nghiệp dẫn đầu về kết quả triển khai IPv6, tương xứng với quy mô và tiềm năng của tập đoàn, tổng công ty mình.

Ba doanh nghiệp viễn thông cũng được đề nghị tập trung nghiên cứu triển khai dịch vụ hỗ trợ ứng dụng IPv6 ở các địa phương; xây dựng các gói dịch vụ tư vấn giải pháp triển khai IPv6 cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng như các gói dịch vụ chuyển đổi IPv6 cho trung tâm dữ liệu, cổng thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của cơ quan nhà nước; ưu tiên ứng dụng triển khai IPv6 cho các dịch vụ công nghệ mới như IoT, Smart City, 5G, đồng thời nghiên cứu xây dựng kế hoạch triển khai thuần IPv6.

Cùng với đó, phối hợp với Ban công tác trong các hoạt động quan trọng vào năm cuối thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, đó là sự kiện Ngày IPv6 Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào 6/5/2019; và sự kiện tổng kết thực hiện Kế hoạch cuối năm 2019.

Ngoài ra, Thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cũng lưu ý VNPT, Viettel và MobiFone tăng cường tham gia các hoạt động, diễn đàn trong nước, quốc tế về IPv6 để chia sẻ kinh nghiệm và nâng tầm vị thế của Việt Nam nói chung và Tập đoàn Viettel nói riêng trong công tác triển khai IPv6; rà soát và gửi về Thường trực Ban các nội dung cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ điều hành trên thiết bị đầu cuối di động cần nâng cấp hỗ trợ Ipv6, phục vụ cho triển khai chương trình trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp cung cấp thiết bị đầu cuối di động; tiếp tục xem xét và gửi về Thường trực Ban công tá khi có ý kiến góp ý với tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.

Đánh giá về kết quả triển khai IPv6 của Viettel, Thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cho biết, năm nay, Viettel đã có kết quả tăng trưởng đột phá trong chuyển đổi IPv6 với tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt khoảng 14%, tăng 700 lần so với số liệu năm ngoái, qua đó đóng góp quan trọng cho tỉ lệ ứng dụng IPv6 chung của Việt Nam. Theo số liệu của Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), đóng góp ở mức hơn 12% vào tỷ lệ ứng dụng IPv6 chung của Việt Nam.

Cũng theo Ban công tác, hiện Viettel đã triển khai rộng rãi việc cung cấp dịch vụ IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định với tổng số 1,9 triệu thuê bao FTTH và hiện là doanh nghiệp dẫn đầu về số lượng khách hàng di động được kích hoạt sử dụng IPv6 với khoảng 700.000 thuê bao 3G/4G. Tập đoàn này đã tiến hành hỗ trợ IPv6 trên dịch vụ IDC Hosting và hoàn thành nâng cấp hỗ trợ IPv6 cho 18 Website là các cổng thông tin quan trọng của Tập đoàn.

Với Tập đoàn VNPT, Ban công tác cho hay, năm 2018, tập đoàn này tiếp tục có kết quả tăng trưởng tốt trong chuyển đổi IPv6 với tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt khoảng 30%, là đơn vị dẫn đầu trong chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam, đóng góp quan trọng cho tỉ lệ ứng dụng IPv6 chung của Việt Nam. Số liệu APNIC cho thấy, VNPT đóng góp vào tỉ lệ ứng dụng IPv6 chung của nướ ta ở mức hơn 60%.

Đến nay, VNPT đã triển khai cung cấp rộng rãi dịch vụ IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định với tổng số 2,7 triệu thuê bao FTTH; là doanh nghiệp tiên phong về chuyển đổi IPv6 cho dịch vụ di động, với số lượng khách hàng di động được kích hoạt sử dụng IPv6 hiện đạt khoảng 470.000 thuê bao 3G/4G. VNPT cũng đã tiến hành hỗ trợ dịch vụ IDC Hosting và cung cấp dịch vụ cho 20 khách hàng; chuyển đổi IPv6 cho 50 website của tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Mặc dù nhận định trong năm nay, MobiFone đã có các bước chuẩn bị để triển khai IPv6 cho ứng dụng nội bộ doanh nghiệp và dịch vụ di động, song Ban công tác cũng chỉ rõ, tỉ lệ ứng dụng IPv6 cũng như lưu lượng IPv6 xuất phát từ mạng của MobiFone hiện chưa nhiều. Theo số liệu thống kê của APNIC, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của MobiFone chưa đạt 1% với 1.140 người dùng IPv6. Kết quả này còn thấp hơn so với tỉ lệ ứng dụng chung của Việt Nam hiện đạt 21%, theo công bố của APNIC; với hơn 11 triệu người dùng IPv6, theo số liệu của Cisco.