Ảnh minh họa: Internet

Theo ông Dương Thế Lương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giải trí trực tuyến trong nước có điểm yếu so với doanh nghiệp nước ngoài là không tự sản xuất được nội dung và phụ thuộc vào các nền tảng cung cấp dịch vụ của nước ngoài. Những năm gần đây các doanh nghiệp trong nước còn phải đối mặt với cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ngày càng chiếm thị phần lớn ở Việt Nam. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường trò chơi trực tuyến Việt Nam tràn ngập các trò chơi trực tuyến phát hành xuyên biên giới, không được cấp phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Điều này đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của người chơi, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng tới uy tín, hoạt động của các doanh nghiệp phát hành trò chơi trực tuyến chính thống tại Việt Nam, thậm chí có thể ảnh hưởng tới chủ quyền và an ninh quốc gia do không kiểm soát được nội dung.

Ông Dương Thế Lương cho biết, Bộ TT&TT đã nỗ lực giải quyết tình trạng này bằng cách làm việc với Google và Apple để điều chỉnh nội dung hoặc gỡ bỏ các trò chơi có biểu hiện vi phạm pháp luật. Đồng thời, cố gắng đẩy nhanh quy trình cấp phép game cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, giải pháp mới áp dụng được cho game di động, nhưng chưa thực sự hiệu quả. Sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ở nước ngoài vẫn còn khoảng cách lớn.

Ông Lương đề xuất, Bộ TT&TT kết hợp đồng thời các biện pháp về chính sách, công nghệ và nghiệp vụ để quyết liệt xử lý một cách đồng bộ và toàn diện hơn tình trạng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, tạo môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, ngăn chặn việc thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước và củng cố uy tín cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, góp phần bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia. Các doanh nghiệp nội dung số như VTC sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong việc phối hợp cung cấp thông tin hoặc trực tiếp triển khai thực hiện khi được Bộ giao nhiệm vụ.

Liên quan đến việc quản lý dịch vụ xuyên biên giới, ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom cũng kiến nghị giải pháp kiểm soát thanh toán xuyên biên giới. Ông Kiên cho rằng, thanh toán xuyên biên giới đang phát triển mạnh dựa vào các ứng dụng CNTT và hạ tầng viễn thông, thông qua điện thoại di động và Internet. Các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có thể dễ dàng mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trò chơi trực tuyến tại nước ngoài và ngược lại người nước ngoài có thể dễ dàng mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam thông qua các ứng dụng CNTT như mobile app, website mà các cơ quan quản lý chưa thể kiểm soát chặt chẽ dẫn tới thất thu thuế.

Mới đây, Bộ TT&TT chỉ ra 3 vi phạm pháp luật Việt Nam của Facebook, trong đó có việc Facebook hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhận tiền từ người dùng để chạy quảng cáo nhưng không nộp thuế tại Việt Nam.

Theo số liệu dự đoán từ công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, quảng cáo chi tiêu trên Facebook lên đến 235 triệu USD. Song đến thời điểm hiện tại, Facebook vẫn không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ tại Việt Nam.

Mỗi năm Facebook thu được hàng trăm triệu USD quảng cáo tại Việt Nam. Với số lượng quảng cáo lớn như vậy, Facebook không thể kiểm soát được hết nội dung thông tin. Không chỉ vậy, mạng xã hội này còn âm thầm tiếp tay cho các quảng cáo, dịch vụ vi phạm pháp luật.

Theo thống kê, thu nhập của Facebook tại Việt Nam tăng gấp 4 lần trong vòng 5 năm qua, tuy nhiên mạng xã hội này không thực hiện nghĩa vụ thuế nào đối với Việt Nam. Cụ thể là không nộp thuế nhà thầu đối với doanh thu quảng cáo... Nhiều doanh nghiệp trong nước cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải có thái độ rõ ràng, quyết liệt về trách nhiệm đóng thuế của Facebook, nhằm đảm bảo môi trường bình đẳng trong kinh doanh và pháp luật được thực thi nghiêm minh, công bằng.