Được nhìn nhận rộng rãi như thế hệ tiếp theo của Internet, metaverse là môi trường thế giới ảo, nơi con người tương tác với nhau qua các hình đại diện 3 chiều có thể điều khiển thông qua các thiết bị tăng cường thực tế ảo như Oculus.

{keywords}

Trên vũ trụ ảo này, người dùng có thể tham gia các hoạt động như chơi game, hoà nhạc số hay các môn thể thao trực tiếp.

Khái niệm metaverse đã thu hút nhiều sự chú ý vào tháng 10 năm ngoái, khi gã khổng lồ mạng xã hội Facebook thông báo đổi tên thành Meta.

Các nhà phân tích cho rằng Big Tech sẽ hưởng lợi với sự xuất hiện của các công nghệ có liên quan.

“Những người được hưởng lợi nhiều nhất từ metaverse thực sự là các công ty công nghệ”, Giám đốc bộ phận đầu tư của Ngân hàng DBS, Hou Wey Fook cho biết. Các hãng sản xuất chất bán dẫn rõ ràng sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu điện toán cho vũ trụ ảo là rất lớn.

Mặc dù vậy, theo một báo cáo của Morningstar, miếng bánh sẽ không được chia đều.

“Do nhiều nhiệm vụ diễn ra trong metaverse liên quan tới khả năng xử lý dữ liệu khổng lồ theo thời gian thực, điều này đặt ra yêu cầu với các vi xử lý phải được phát triển trên công nghệ tiên tiến vốn chỉ có sẵn của TSMC, Samsung và Intel”, báo cáo cho biết.

Các hãng đúc chip nhỏ hơn như United Microelectronics Corp, SMIC và GlobalFoundries có thể sẽ chỉ được hưởng lợi từ những phần giá trị thấp hơn trong chuỗi cung ứng, ví dụ như trình điều khiển màn hình hay quản lý điện năng.

Năm 2021, cổ phiếu nhà sản xuất chip Nvidia đã tăng 125%, thúc đẩy bởi kỳ vọng đối với vũ trụ ảo. CNBC đã nhận định Nvidia là một trong 4 cổ phiếu chủ chốt dành cho các nhà đầu tư tin tưởng vào thành công của metaverse.

Nhà đầu tư cũng có thể xem xét các lĩnh vực chính được xây dựng để hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho vũ trụ ảo như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, đồ hoạ trò chơi điện tử, trích báo cáo của Ngân hàng tư nhân Lombard Odier hồi tháng 12/2021.

Đối với môi trường ảo không tiền mặt thì các công nghệ như blockchain (chuỗi khối) và tiền điện tử cũng có thể đóng vai trò quan trọng. 

Các gã khổng lồ công nghệ như Meta (công ty mẹ Facebook), Apple, Microsoft hay Google đều chuẩn bị phát hành các sản phẩm phần cứng và dịch vụ phần mềm mới phục vụ cho metaverse.

Tại châu Á, Trung Quốc cũng có kế hoạch “chơi lớn” với vũ trụ ảo. Thượng Hải, một trong những thành phố lớn nhất đại lục, đã công bố kế hoạch phát triển metaverse kéo dài 5 năm. Kế hoạch kêu gọi “khuyến khích áp dụng metaverse trong các lĩnh vực như dịch vụ công cộng, văn phòng kinh doanh, giải trí xã hội, công nghiệp sản xuất, an toàn sản xuất và trò chơi điện tử”.

Vinh Ngô (Theo CNBC)

 

Chính phủ các nước đón đầu làn sóng vũ trụ ảo

Chính phủ các nước đón đầu làn sóng vũ trụ ảo

Vũ trụ ảo không chỉ là một nơi để mua bán hàng hóa ảo, gặp gỡ mọi người dưới dạng các hình đại diện (avatar), mà còn xuất hiện các dịch vụ công khi chính phủ nhiều nước không muốn bỏ lỡ làn sóng này.