Nhận định trên được bà Samia Melhem, Trưởng nhóm kỹ thuật số, WB đưa ra trong phiên thảo luận chuyên đề “Chính phủ số cho những điều tốt đẹp” trong khuôn khổ Diễn đàn Internet Việt Nam 2019-VIF19 mới đây.

WB:

Bà Samia Melhem - Trưởng nhóm kỹ thuật số, WB (thứ hai từ trái sang) cùng các diễn giả khác trao đổi tại phiên thảo luận chuyên đề “Chính phủ số cho những điều tốt đẹp”.

Cũng tại phiên thảo luận này, ông Kim Andreasson - Tư vấn DAKA nhấn mạnh, công nghệ số đang đem lại những chuyển đổi mạnh mẽ trong xã hội. "Chính phủ cũng như khu vực công, khu vực tư, các khu vực doanh nghiệp và cả người dân đều cần phải sẵn sàng trong quá trình chuyển đổi số. Điều quan trọng là các Chính phủ cần tận dụng được những lợi ích của các hệ thống số để thúc đẩy các quy trình, xây dựng một Chính phủ điện tử, một Chính phủ số”, ông Kim Andreasson nhấn mạnh.

Lý giải cho câu hỏi “Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử?”, ông Kim Andreasson cho hay, qua các báo cáo của WB, Việt Nam trong thời gian qua cũng đã đạt được nhiều tiến triển. Còn theo đánh giá và xếp hạng về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, Việt Nam đứng thứ 88/193 quốc gia - vị trí trung bình giữa các quốc gia đang phấn đấu xây dựng Chính phủ điện tử.

“Thời gian gần đây, chúng tôi rất vui mừng khi thấy Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chủ động và tích cực trong việc thúc đẩy Việt Nam hướng tới con đường phát triển Chính phủ điện tử, đã thành lập ra Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, đã ban hành Nghị quyết, các Nghị định của Chính phủ để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng Chính phủ điện tử. Đó là nền tảng để Việt Nam có thể đạt được những tiến triển trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử”, ông Kim Andreasson bình luận.

Là người đã có hơn 25 năm làm việc liên quan đến chính phủ điện tử, bà Samia Melhem - Trưởng nhóm kỹ thuật số, WB cũng cho rằng, đã có rất nhiều điều thay đổi trong thời gian qua để giúp các cơ quan hành chính công phục vụ tốt hơn người dân, thay đổi toàn bộ cách tiếp cận của Chính phủ - chuyển sang cách tiếp cận lấy người dân làm Trung tâm, lấy người dân để phục vụ. “Đó là những điều tôi đã cảm nhận thấy ở Việt Nam khi tôi đến làm việc từ tháng 7/2018. Tôi thấy tốc độ của Chính phủ Việt Nam để tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay đang diễn ra hết sức nhanh chóng”, bà Samia Melhem nhận xét.

Theo vị chuyên gia WB, câu hỏi đặt ra cho câu chuyện xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam hiện nay là “Làm thế nào để có thể đẩy nhanh hơn nữa quá trình này, để thúc đẩy toàn bộ hệ thống, thúc đẩy sử dụng ngân sách một cách hiệu quả, đầu tư để tận dụng được các công nghệ sáng tạo, để thúc đẩy toàn bộ quá trình xây dựng Chính phủ điện tử một cách hiệu quả và chúng ta có thể tiết kiệm được thời gian, công sức và tận dụng được trí tuệ, công sức của các cơ quan, của mọi người vào mục đích xây dựng một Chính phủ số?”.

WB:

Ông Pereric Hogberg - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam phát biểu khai mạc phiên thảo luận chuyên đề "Chính phủ số cho những điều tốt đẹp" tại VIF19.

Lấy dẫn chứng câu chuyện thành công của Thụy Điển, bà Samia Melhem nêu, Thụy Điển có mặt trong Top 5 thế giới về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc: “Chính phủ Thụy Điển đã thông qua cách tiếp cận Chính phủ điện tử ở cấp độ quốc gia, với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, ưu tiên người dân đầu tiên. Ví dụ như, đơn giản thủ tục hành chính để làm cho người dân có thể thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn dễ dàng, nhanh chóng hơn. Đảm bảo cho người dân được phục vụ một cách hiệu quả từ khi họ được sinh ra cho đến khi họ qua đời”.

Cũng theo bà Samia Melhem, giai đoạn thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý hành chính công, các nước có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên các Chính phủ cần lưu ý một số vấn đề quan trọng để đảm bảo quyền lợi của người dân như: việc đăng ký thông tin được thực hiện một cách chính xác với những dữ liệu cá nhân được đảm bảo rằng sẽ không được bán cho bất kỳ bên nào; việc chia sẽ dữ liệu cá nhân cũng cần phải được quản lý hiệu quả dựa trên sự giám sát của Chính phủ, dựa trên các nguyên tắc về bảo vệ cá nhân.

Nhấn mạnh quan điểm “Thách thức trong xây dựng, phát triển Chính phủ số không nằm ở công nghệ mà nằm ở chính con người”, chuyên gia WB cho biết, thách thức này đang được các Chính phủ, trong đó có Chính phủ Việt Nam nỗ lực cải thiện thông qua nhiều quá trình tập huấn, các khóa đào tạo, hướng dẫn, không phải chỉ là với 100 hay 1.000 người mà là tập huấn kỹ năng số cho toàn bộ người dân trong xã hội.

“Đây là điểm tôi nghĩ Chính phủ các nước cũng như Chính phủ Việt Nam đang hướng đến để cải thiện, từ đó xây dựng một khái niệm về Chính phủ số cũng như nền tảng số hay hạ tầng kỹ thuật số, cho phép khu vực công, khu vực tư hoạt động hiệu quả”, chuyên gia WB nhận định.

Chia sẻ kinh nghiệm của Thụy Điển, ông Pereric Hogberg - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, 2 yếu tố cốt lõi để Thụy Điển xây dựng thành công Chính phủ điện tử là lòng tin và trách nhiệm giải trình. Với 2 yếu tố quan trọng, cơ bản này, Thụy Điển đã tiến đến mức đạt được một nền quản trị điện tử tốt, xây dựng được Chính phủ điện tử lan rộng sang nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, thuế… cũng như trao đổi giao tiếp, tương tác giữa Chính phủ và Công dân.

“Nếu không có lòng tin, chúng tôi khó có thể xây dựng được Chính phủ như hiện nay. Lấy ví dụ như việc đóng thuế. Hiện tất cả người dân Thụy Điển đều đóng thuế qua hệ thống thu thuế điện tử. Điều này có thể thực hiện được cũng bởi người dân Thụy Điển đều biết những thông tin liên quan đến Sở Thuế, biết được nền kinh tế của đất nước trong năm vừa qua hoạt động thế nào và họ có thể ước lượng được rằng khoản thuế mình phải đóng là bao nhiêu. Điều này hoàn toàn dựa trên lòng tin của người dân”, ông Pereric Hogberg nói.

Về trách nhiệm giải trình, theo ông Pereric Hogberg, ở Thụy Điển, trách nhiệm giải trình được thực hiện một cách minh bạch, cho phép người dân có quyền tiếp cận toàn bộ thông tin. “Khi người dân đã có thể khẳng định được rằng tôi có quyền tiếp cận thông tin một cách hoàn toàn minh bạch và đầy đủ, thì chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được Chính phủ điện tử”, ông Pereric Hogberg nhấn mạnh.