Bày biện hoặc gọi nhiều món ăn hơn mức cần thiết vốn là phong tục lâu đời ở xứ tỷ dân, thể hiện sự giàu có và lòng hiếu khách của gia chủ, đặc biệt tại các cuộc họp kinh doanh và gặp mặt gia đình.

Tuy nhiên, kiểu chiêu đãi thịnh soạn này đang phải thay đổi trước luật chống lãng phí thực phẩm được chính phủ Trung Quốc ban hành, theo VICE.

luat chong lang phi thuc pham anh 1

Người Trung Quốc thể hiện lòng hiếu khách bằng những mâm cỗ thịnh soạn, đa dạng món. Ảnh: China Highlights.

Cụ thể, các nhà hàng được phép thu phí thực khách để lại thức ăn thừa. Ngược lại, hàng quán gây lãng phí thức ăn sẽ bị phạt tối đa 7.700 USD.

Những nhà cung cấp thực phẩm xúi giục hoặc đánh lừa người tiêu dùng đặt hàng quá nhiều cũng sẽ bị phạt 1.550 USD.

Các đài truyền hình và công ty truyền thông trực tuyến có thể phải nộp phạt tới 16.000 USD nếu bị phát hiện quay dựng hoặc trình chiếu những video “ăn thùng uống vại”.

Nhiều người dân Trung Quốc đặt ra câu hỏi rằng liệu điều luật mới này có đang “quá đà” và xâm phạm quyền tự do cá nhân hay không, cụ thể là ăn uống - hình thức hưởng thụ cơ bản nhất của con người.

Một số khác cảm thấy điều luật này khó hiểu, chưa rõ ràng và có thể cản trở trải nghiệm ăn uống của họ.

luat chong lang phi thuc pham anh 2

Các video mukbang bị gỡ bỏ trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Ảnh: @fume_yamyam.

Chính quyền địa phương ở xứ tỷ dân đã có nhiều biện pháp khác nhau để triển khai điều luật.

Chẳng hạn, một hiệp hội ăn uống ở thành phố Vũ Hán đã đề xuất quy tắc "N-1", theo đó các nhóm khách chỉ được phép đặt món bằng số thực khách trừ đi một.

Một số nhà hàng đã cam kết cung cấp thêm lựa chọn suất ăn nhỏ. Một quán ăn ở trung tâm thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) đã đặt chiếc cân trước cửa và đề xuất lượng thực phẩm dựa trên trọng lượng của khách hàng.

Bên cạnh đó, các nhà kiểm duyệt cũng gỡ bỏ các video mukbang trên nhiều nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.

Trước đó, ngày 4/5, cơ quan quản lý đã phạt ở mức cảnh báo đối với một tiệm bánh ở phía đông thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) theo luật chống lãng phí thực phẩm. Cửa hàng làm bánh này bị phát hiện vứt bỏ những chiếc bánh không đẹp mắt hoặc còn thừa trong ngày.

Chủ cửa hàng sau đó hứa sẽ đem tặng miễn phí chỗ bánh thừa, hoặc biến chúng trở thành hàng mẫu cho khách hàng nếm thử, theo tờ báo địa phương Yangtse Evening News.

luat chong lang phi thuc pham anh 3

Thực khách không ăn hết món gọi ra sẽ bị thu phí theo quy định của nhà hàng. Ảnh: VCG.

Ngày 29/4, Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc chính thức thông qua luật chống lãng phí thực phẩm, Global Times đưa tin. Điều này cũng sẽ đặt dấu chấm hết đối với trào lưu mukbang tại đất nước tỷ dân.

Mặc dù Trung Quốc không phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, vào tháng 8/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khởi động chiến dịch tiết kiệm thực phẩm.

Ông cho biết sự gián đoạn kinh tế do Covid-19 gây ra là một hồi chuông cảnh tỉnh toàn quốc, rằng đất nước cần phải đảm bảo nguồn cung lương thực.

Ngoài ra, sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch đã đẩy hàng chục triệu người đến bờ vực chết đói, theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc.

Theo kênh truyền thông Trung Quốc đưa tin, nước này lãng phí khoảng 35 triệu tấn thực phẩm mỗi năm.

Còn theo Chen Shaofen, nhà nghiên cứu chiến lược phát triển bền vững tại Học viện Khoa học Trung Quốc, đất nước tỷ dân tạo ra gần 1/3 lượng rác thải thực phẩm trên thế giới, tương đương khoảng 135 triệu tấn/năm.

(Theo Zingnews)

Con cái xấu hổ, né tránh khi bố mẹ là ngôi sao mạng

Con cái xấu hổ, né tránh khi bố mẹ là ngôi sao mạng

Xấu hổ, ngại ngùng xen lẫn tự hào là cảm xúc chung của nhiều thanh niên có bố mẹ là người được ưa thích trên Internet.