Zing trích dịch bài đăng trên Vice, đề cập đến những hậu quả của việc đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội, cụ thể là đối với thế hệ Zillennials (những người sinh từ năm 1993-1998).

Một nghiên cứu vào năm 2018 chỉ ra rằng cứ 10 người ở Anh thì có đến 6 người hối hận về những thứ họ đã đăng trên mạng xã hội. 47% trong số đó ước rằng họ có thể xóa các bài đăng trong quá khứ khỏi những nền tảng trực tuyến.

Trong khi thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1981 đến năm 1996) đủ kinh nghiệm sống để sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm hay Gen Z (những bạn trẻ sinh ra từ giữa thập niên 90 đến đầu những năm 2000) coi trọng quyền riêng tư hơn các “bậc tiền bối”, những người ở giữa 2 nhóm này - được gọi là thế hệ Zillennials - phải đối mặt với nhiều hậu quả của việc phơi bày đời tư lên Internet.

Zillennials trải qua thời niên thiếu giữa lúc các nền tảng trực tuyến bùng nổ. Dù Facebook chỉ cho phép người từ 13 tuổi trở lên đăng ký, ở thời đó, một đứa trẻ 10 tuổi vẫn có thể tạo tài khoản cá nhân. Những gì họ cần chỉ là một địa chỉ email hợp lệ và khả năng nói dối tuổi của mình để thiết lập tài khoản.

The he Zillennial hoi han vi phoi bay cuoc song ca nhan len Internet anh 1

Thế hệ Zillennials được sinh ra trong thời đại bùng nổ các phương tiện truyền thông xã hội. Ảnh: Global News.

Lo lắng vì lỡ đăng ảnh "trẻ trâu"

Tommy (23 tuổi) thường xuyên lo lắng khi nhìn lại nội dung được tải lên Facebook của mình. Anh tin rằng một ngày nào đó, những bài đăng này sẽ gây bất lợi cho anh nếu nó vô tình bị phát tán. Tommy tốt nghiệp chuyên ngành Chính trị từ Đại học Leeds và đang có sự nghiệp chớm nở với vai trò phóng viên. Trong tương lai, anh có thể trở thành một nghị sĩ.

Tommy tạo tài khoản Facebook từ năm 13 tuổi. Anh từng đăng những bức ảnh, video khoe khoang việc thử các loại ma túy bất hợp pháp ở Anh từ ​​Class A đến C, bao gồm cocaine, "nấm ma thuật", cỏ Mỹ...

Ngoài ra, những bức ảnh say xỉn, la lối thiếu kiểm soát, tham gia các hoạt động phá hoại của Tommy cũng được tiết lộ thông qua các bài đăng được gắn thẻ bởi bạn bè.

“Có thể bạn sẽ xem đó là trò trẻ con nhưng những hành vi phá hoại hay đùa cợt một cách xúc phạm không phải là một ấn tượng tốt cho dù bạn ở độ tuổi nào”, Tommy nói.

The he Zillennial hoi han vi phoi bay cuoc song ca nhan len Internet anh 2

Nhiều người trẻ cảm thấy hoang mang trước những gì họ từng đăng lên mạng. Ảnh: Vice

Alex (24 tuổi, đến từ London) có tài khoản Facebook và YouTube lúc 10 tuổi. Khi lên cấp 2, Alex và bạn bè đã sản xuất một bộ phim ngắn ở công viên gần nhà, trong đó có vài cảnh họ tái hiện cuộc công kích những người khác.

Kể từ đó, Alex luôn trong tình trạng lo lắng vì sợ rằng video này có khả năng xúc phạm người xem và ảnh hưởng đến danh tiếng của cả nhóm.

Vì mất quyền truy cập vào địa chỉ email được dùng để thiết lập tài khoản, họ không thể đặt lại mật khẩu và tự xóa video. Kể từ khi Google tiếp quản YouTube, những người dùng của nền tảng này có thể xác nhận tài khoản “kế thừa”. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện bằng cách nhập tên người dùng và mật khẩu chính xác của tài khoản gốc.

Rủi ro khó lường

Jo O’Reilly, chuyên gia về quyền riêng tư trên các nền tảng kỹ thuật số tại ProPrivacy, cho biết một khi thông tin đã được cung cấp, rất khó để lấy lại. Cô cho rằng điều quan trọng nhất là hướng dẫn giới trẻ về các rủi ro của việc chia sẻ mọi thứ lên mạng trước khi quá muộn.

Với những người đã từng có hành động bồng bột trên mạng xã hội, Jo khuyên họ nên khóa tất cả tài khoản sử dụng tính năng bảo mật và thường xuyên kiểm tra trang nhật ký hàng ngày của Facebook trên các trình duyệt, ứng dụng.

Cô cũng gợi ý người dùng nên gõ tên của họ cùng với những từ khóa gây tranh cãi trên ô tìm kiếm để lọc những bài đăng, bình luận thiếu suy nghĩ và nhanh chóng xóa chúng.

The he Zillennial hoi han vi phoi bay cuoc song ca nhan len Internet anh 3

Những bài đăng trong quá khứ cũng ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của một người, theo Vice. Ảnh: Pinterest.

Với ước mơ được làm việc trong lĩnh vực âm nhạc, Liam bắt buộc phải áp dụng cách này. Anh dành khoảng 4 giờ mỗi buổi tối để loại bỏ sự hiện diện của mình trên Internet và "truy lùng" các nội dung "đáng xấu hổ" ở thời niên thiếu.

“Tôi lục lại tất cả bài đăng của mình và xóa 80% trong số đó. Ngoài ra, tôi còn tìm kiếm tên tài khoản của mình cùng với một số từ ngữ mà tôi nghĩ nó sẽ gây khó chịu cho người đọc”, Liam nói với Vice.

Liam cũng đổi tên Facebook của mình để đảm bảo các nhà tuyển dụng không thể tìm thấy.

Đối với những người không có nhiều thời gian để tìm kiếm toàn bộ lịch sử hoạt động trên Internet, họ có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các ứng dụng hỗ trợ. Tuy nhiên, các chính sách liên quan đến bảo mật thông tin của những ứng dụng này vẫn còn khiến nhiều người đắn đo, e ngại.

The he Zillennial hoi han vi phoi bay cuoc song ca nhan len Internet anh 4

Việc xóa toàn bộ bài đăng gây tranh cãi cần một thời gian khá dài.

Dù rất muốn nhanh chóng loại bỏ các video độc hại liên quan đến mình, Alex cũng nhận ra rằng việc xóa toàn bộ sự hiện diện trên mạng xã hội cũng là một vấn đề nan giải.

“Điều đó giống như việc bạn tô hồng quá đà cho cuộc sống của bản thân. Nó thể hiện việc bạn trốn tránh những gì đang diễn ra trong thế giới của bạn thay vì đối mặt với vấn đề và cải thiện nó”, Alex bày tỏ.

Nhiều thanh thiếu niên ngày nay đã cẩn trọng hơn trong việc phát ngôn trên mạng xã hội. Một số còn kĩ lưỡng hơn khi chỉnh bài đăng ở chế độ “bạn thân” để chỉ những người gần gũi với họ mới có thể xem được.

Đối với Tommy, Alex và Liam, những nội dung mà họ đăng lên mạng thời đi học có thể chỉ dừng lại ở mức độ gây rắc rối cho tương lai sau này. Tuy nhiên, với các chính trị gia, nghệ sĩ thuộc thế hệ Zillennials, họ có thể phải đối mặt với những câu hỏi khó xử xuất phát từ một số bức ảnh cũ trên Facebook.

(Theo Zing)

Sự thật trần trụi phía sau các bức ảnh ‘sống ảo’ trên Instagram

Sự thật trần trụi phía sau các bức ảnh ‘sống ảo’ trên Instagram

Tài khoản Instagram nổi tiếng với 1 triệu người theo dõi giúp chúng ta biết được sự khác nhau một trời một vực giữa ảnh ‘sống ảo’ và thực tế.