sao TikTok ban xuong nguoi anh 1

Jon Pichaya Ferry, được biết đến với biệt danh JonsBones, là một tay buôn hài cốt 21 tuổi. Tài khoản mạng xã hội của người này thu hút gần 500.000 người theo dõi và 22 triệu lượt thích.

Trong phòng trưng bày của anh, đầu lâu người xếp thành hàng trên kệ. Xương sống treo đầy trên tường, với hơn 100 chiếc từ những người không quen biết, theo The Washington Post.

Tuy nhiên, việc Ferry giới thiệu và buôn bán hài cốt mang lại phản ứng trái chiều.

sao TikTok ban xuong nguoi anh 2

Ferry bắt đầu kinh doanh xương từ năm 2018. Ảnh: Jon Pichaya Ferry.

Một số người đặt câu hỏi về tính pháp lý và đạo đức đối với hoạt động buôn bán của anh - thứ mà chàng trai trẻ khẳng định rằng mình chỉ tham gia vì mục đích giáo dục.

Song, các chuyên gia cho biết khách mua xương thường không xem chúng như một công cụ giáo dục. Thay vào đó, xương đôi khi được biến thành đồ trang sức, đèn chùm tự chế hoặc nằm trong tủ trưng bày.

Thực chất, hoạt động buôn bán hài cốt đã tồn tại hàng thế kỷ nay. Ngành công nghiệp này thu hút nhiều nhà nhân chủng học, nhà sưu tầm, nghệ sĩ và những người tò mò về hệ thống xương. Từ lâu, nó đã làm dấy lên loạt câu hỏi, chẳng hạn như “Làm thế nào mà con người trở thành vật thể để sưu tập vậy?”.

Mỹ không có luật liên bang nào ngăn cản quyền sở hữu, buôn bán xương người, trừ khi là hài cốt người da đỏ, theo The Atlantic. Duy nhất chỉ có các bang Louisiana, Georgia và Tennessee đề ra luật tiểu bang cấm phân phối vật phẩm này.

Biến thành công việc

Nhiều người thấy ý tưởng mua bán xương người thật kỳ quặc và khó hiểu. Thế nhưng, chia sẻ với The Washington Post, Ferry cho biết anh không nghĩ theo hướng đó.

Khi Ferry lên 13 tuổi, bố đã tặng anh một bộ xương chuột được lắp ráp hoàn chỉnh. Từ đó, anh có hứng thú với lĩnh vực xương khớp.

Ban đầu, doanh nghiệp của Ferry rất nhỏ. Anh chuyển đến New York vào năm 2018. Cứ mỗi thứ 6 suốt nhiều tháng, chàng trai trẻ đứng ở Quảng trường Thời đại trao danh thiếp tới mọi người. Thỉnh thoảng, anh mới bán được vài chiếc xương.

Hiện anh làm với 8 nhà thầu bán thời gian và cho biết mình bán được 20-80 chiếc xương mỗi tháng.

Ferry cũng là sinh viên của Trường Thiết kế Parsons ở New York (Mỹ) - nơi anh kết hợp kiến thức về xương của mình vào các nghiên cứu về sản phẩm thiết kế.

Trong khi tìm hiểu thêm về việc buôn bán xương y tế, Ferry xác định được một vấn đề là những người đang sở hữu xương không biết làm gì với chúng.

Chỉ vài thập kỷ trở lại đây, việc sinh viên y khoa giữ lại 1/2 hoặc toàn bộ khung xương trong tủ để phục vụ học tập mới trở nên phổ biến. Ferry cho biết nhiều gia đình không muốn giữ những bộ xương này nữa và anh biến việc tìm “nhà mới” cho chúng thành nghề nghiệp của mình.

sao TikTok ban xuong nguoi anh 3

Bộ sưu tập hơn 100 chiếc xương sống người của Ferry tại New York. Ảnh: Jaytel Provence.

Theo Ferry, việc định danh tên tuổi, nguồn gốc tất cả bộ hài cốt là không thực tế, bất chấp lời kêu gọi từ các chuyên gia và nhà hoạt động xã hội. Đồng thời, dịch vụ hỏa táng rất tốn kém và bản sao bộ xương vẫn không thể so sánh được với đồ thật.

Do đó, lựa chọn khả thi duy nhất dành cho những gia đình muốn xử lý bộ xương là bán lại.

“Thật dễ để phê bình, đánh giá. Nhưng sau đó, tìm ra giải pháp nên làm gì với những bộ xương lại là thách thức khó khăn”, sinh viên chia sẻ.

Trang web của Ferry đề rằng chỉ bán xương y tế hoặc xương được chuẩn bị đặc biệt để đào tạo sinh viên y khoa.

Anh cho biết mình đang luân chuyển các hài cốt đã qua sử dụng, nếu không chúng sẽ nằm phủ bụi trong tầng hầm nhà ai đó. Đồng thời, anh cung cấp các dịch vụ có giá trị cho những người có thể chưa từng tương tác với xương người thật.

Tuy nhiên, nguồn gốc của các bộ xương y tế rất không rõ ràng. Nhiều người cho rằng chúng bị đánh cắp từ các ngôi mộ và ép buộc đưa vào ngành giáo dục. Chúng khác với xương của những người hiến tặng cơ thể của họ cho khoa học.

Ngành kinh doanh có từ lâu

Ferry lập luận rằng xương mà anh bán đang giúp giáo dục dễ tiếp cận hơn với những người không có cơ hội học tập, nghiên cứu ở gần. Một số xương có thể mua với giá thấp hơn 20 USD, miễn là nơi khách hàng sống không hạn chế việc buôn bán hài cốt người.

sao TikTok ban xuong nguoi anh 4

Mục đích kinh doanh nhằm hướng về giáo dục của Ferry không nhận được sự đồng tình của các chuyên gia. Ảnh: Jon Pichaya Ferry.

Các loại xương có sẵn bao gồm từ xương đùi rời, xương có khớp nối đến hộp sọ thai nhi.

Một chiếc xương sườn lẻ có giá 18 USD, trong khi hộp sọ có thể tách rời được rao bán 6.000 USD.

Ferry từ chối tiết lộ thông tin người mua nhằm đảm bảo riêng tư.

Song, anh cho biết mình đã bán xương cho một số trường đại học nhằm phục vụ mục đích giảng dạy hoặc mở bảo tàng, cũng như cơ quan thực thi pháp luật để huấn luyện chó nghiệp vụ.

Website của anh mở công khai, bán cho cả nghệ sĩ và bất kỳ ai hứng thú.

Chàng trai chia sẻ rằng anh cố gắng “làm gương” và khuyên nhủ khách hàng nên đối xử sản phẩm “với sự tôn trọng tối đa”.

Tuy nhiên, anh không có quyền kiểm soát những gì khách hàng làm với bộ xương sau khi chúng rời khỏi phòng trưng bày của anh.

Theo Damien Huffer, một giáo sư phụ tá nghiên cứu tại Đại học Carleton (Canada), bộ sưu tập của Ferry thậm chí chẳng phải “phần nổi của tảng băng trôi”.

Các nhà sưu tầm khác trên khắp thế giới có những bộ sưu tập lớn hơn nhiều so với Ferry, và loại hình buôn bán này còn xuất hiện từ trước khi mạng xã hội ra đời.

Giáo sư Huffer cho biết nội tạng còn là ngành buôn bán chuyên biệt hơn.

Ngày nay, mạng xã hội đã cho phép loại giao dịch vốn chỉ giới hạn trong cửa tiệm kỳ quái tiếp cận một thị trường mới.

Lệnh cấm buôn bán hài cốt con người đã được triển khai trên nhiều nền tảng mạng xã hội, nhưng không mấy hiệu quả. Và khi một trang web bị đóng cửa, trang khác sẽ mọc lên tức thì. Có thể nói, đây là vòng lặp vô tận.

Hành vi vô nghĩa

Ferry khẳng định anh chỉ mua lại từ những người có xương y tế mà không sử dụng nữa.

Đồng thời, anh thường cố gắng thu thập thông tin về nguồn gốc của xương trước khi mua lại. Thông tin này thường được giữ kín, trừ khi người mua trong tương lai yêu cầu.

“Tôi rất tin tưởng vào việc đào tạo thế hệ tiếp theo của các nhà nhân chủng học, bác sĩ và giáo viên. Tôi không nghĩ tiêu hủy những mảnh xương này sẽ là giải pháp hợp lý”, anh nói.

sao TikTok ban xuong nguoi anh 5

Bộ sưu tập hơn 100 đầu lâu của Ferry. Ảnh: Jaytel Provence.

Tuy nhiên, Shawn Graham, một giáo sư về nhân văn số tại Đại học Carleton, cho biết mục đích hướng tới giáo dục là vô nghĩa. Nếu chiếc xương không cung cấp được bối cảnh đằng sau, nó có rất ít giá trị giáo dục.

Những người hiến xác cho khoa học sẽ được đảm bảo đối xử tôn trọng sau khi xác của họ đã phục vụ mục đích giáo dục. Quá trình này diễn ra dựa trên sự đồng thuận đôi bên.

Giáo sư cũng nhấn mạnh rằng mỗi bộ xương người trong hoạt động buôn bán này đều là một mảnh của tổ tiên - những người “đang không ở nơi họ đáng lẽ thuộc về”.

“Không ai phản đối việc mua bán đồ cổ hay mẫu vật, nhưng đây là con người. Và chắc chắn không một ai trong số những người này từng đồng ý với việc cơ thể của họ bị đối xử như vậy hoặc trở thành món hàng để trao đổi”, ông khẳng định.

(Theo Zing)

Trào lưu TikTok giả vờ bị bắt gây phẫn nộ

Trào lưu TikTok giả vờ bị bắt gây phẫn nộ

Thịnh hành trên TikTok ngay sau thử thách thùng sữa nguy hiểm, việc quay clip giả vờ mình bị cảnh sát áp giải nhận "gạch đá" vì lãng mạn hóa chuyện vi phạm pháp luật.