Ông Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch VINASA công bố thông điệp của Thông điệp của Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2019.

Chiều ngày 8/8, Thông điệp Diễn đàn cấp cao CNTT và Truyền thông Việt Nam lần thứ 9 năm 2019 - Vietnam ICT Summit 2019 chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường” đã được ông Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) chính thức công bố.

Thông điệp của Diễn đàn được đưa ra trên cơ sở tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các ý kiến tham luận của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, chuyên gia và các đại biểu trong nước, nước ngoài.

Thông điệp khẳng định rõ, chuyển đổi số là một tiến trình tất yếu khách quan, tạo ra sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho Việt Nam tạo bước đột phá vươn lên thành một nước phát triển, một quốc gia hùng cường. Việt Nam có lợi thế để tận dụng cơ hội này đó là văn hóa người Việt Nam thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới. Muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì chúng ta phải chủ động đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh.

“Chuyển đổi số rất cần sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội, cùng đồng tâm hiệp lực, triển khai nhanh chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường. Hoan nghênh sự ra đời của “Liên minh chuyển đổi số Việt Nam”. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, trước tiên là các thành viên Liên minh sẽ tiên phong phong đồng hành cùng Chính phủ gánh trọng trách dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong mọi lĩnh vực”, thông điệp Diễn đàn cho hay.

Cùng với đó, Diễn đàn cũng thống nhất quan điểm, Chính phủ dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia, kiến tạo môi trường pháp lý, chính sách thuận lợi cho chuyển đổi số, kiến tạo thị trường cho phát triển doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ số. Chuyển đổi số cần gắn với trách nhiệm người đứng đầu các bộ ngành, địa phương; đồng thời cần đảm bảo mọi đề án, quy hoạch, kế hoạch tích hợp các yếu tố chuyển đổi số, tận dụng tối đa lợi ích của các công nghệ số mới nhất.

Nhấn mạnh giải pháp quan trọng để đẩy nhanh chuyển đổi số tại Việt Nam là xây dựng các nền tảng ứng dụng số (Platform) phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các hộ gia đình và người dân. Diễn đàn kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam nêu cao tinh thần phụng sự quốc gia, tiên phong trong nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, cũng như xây dựng, vận hành các nền tảng ứng dụng phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của xã hội.

“Yêu cầu quan trọng nhất của chuyển đổi số là phải lấy con người làm trung tâm, bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại, của văn hoá Việt Nam", thông điệp Diễn đàn chỉ rõ.

Từ đó, thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là việc nhận thức, tiếp cận và giải quyết các mô hình mới, các mối quan hệ mới hình thành trong nền kinh tế số, xã hội số - các mối quan hệ mới trong thế giới ảo. Do đó chuyển đổi số cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận và không ngừng đổi mới sáng tạo.

Thông điệp Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2019 chỉ rõ, doanh nghiệp công nghệ đặc biệt là các doanh nghiệp ICT là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số (Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tham quan triển lãm các giải pháp chuyển đổi số)

Đáng chú ý, trong thông điệp mới công bố, Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2019  đã vạch rõ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và đảm bảo các yếu tố nền tảng cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia cần được tập trung triển khai ngay, như: Tập trung xây dựng môi trường pháp lý, chính sách thuận lợi, xóa bỏ mọi rào cản đối với chuyển đổi số, cho phép thử nghiệm các mô hình mới; Xây dựng và phát triển hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng dữ liệu, khẩn trương hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia; đảm bảo kết nối chia sẻ dữ liệu; Đảm bảo an toàn, an ninh không gian mạng tạo niền tin số cho mọi người dân, tạo tiền đề chuyển đổi số quốc gia thành công.

Phát triển nguồn nhân lực số, đặc biệt đội ngũ nhân lực trình độ cao. Đào tạo, tái đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng ICT cả ở diện rộng cũng như có chất lượng cao. Thu hút có hiệu quả sự tham gia của chuyên gia người Việt ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Doanh nghiệp công nghệ đặc biệt là các doanh nghiệp ICT là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số. Cần phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Đồng thời, cần phát triển các công nghệ số, đặc biệt là công nghệ thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu; phát triển hạ tầng cho R&D; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng một số Trung tâm sáng tạo công nghệ, Trung tâm phát triển trí tuệ nhân tạo với thể chế vượt trội. Thiết lập cơ chế chính sách huy động đủ nguồn lực đảm bảo cho quá trình chuyển đổi số thành công.

“Diễn đàn tin tưởng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức và cộng đồng xã hội sẽ luôn quan tâm, ủng hộ và đồng hành, chung tay hành động vì tương lai phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Diễn đàn mong muốn công cuộc chuyển đổi số quốc gia vì một Việt Nam hùng cường sẽ là một đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030”, Phó Chủ tịch VINASA Lữ Thành Long kết luận.