Việc Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên ký văn bản điện tử và ban hành trực tiếp được đánh giá là một dấu mốc rất lớn trong xây dựng Chính phủ điện tử (Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia trên Hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công việc và gửi nhận văn bản điện tử).

Xây dựng Chính phủ điện tử đã có bước chuyển lớn

Nhìn lại chặng đường trong gần 2 năm qua, với quan điểm chỉ đạo đã được Thủ tướng Chính phủ quán triệt, đó là xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế, xã hội số và việc xây dựng Chính phủ điện tử phải “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn”, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các chuyên gia đều đánh giá, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực.

Cụ thể, trong phát biểu khai mạc phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư” được tổ chức ngày 3/10 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã nhấn mạnh: “Việc xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số đã được triển khai bước đầu đạt kết quả tích cực”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trong kết luận hội nghị trực tuyến của Ủy ban với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương hồi trung tuần tháng 7/2019 cũng đánh giá, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức và quá trình triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Cụ thể, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực như: Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025” đã được các bộ, ngành, địa phương quán triệt và tích cực triển khai. Cùng việc thiết lập cơ quan chỉ đạo liên ngành ở Trung ương là Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, tại bộ, ngành, địa phương đã thành lập các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử. Khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử đang từng bước được hoàn thiện, cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ CNTT dần được tháo gỡ.

Bên cạnh đó, đã đưa vào vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, tài chính, đất đai… được quan tâm triển khai. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tiếp tục được tăng cường. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh được cải thiện. Kinh phí phục vụ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử được quan tâm bố trí một phần.

Ở góc độ của một doanh nghiệp CNTT đã có nhiều năm tham gia vào quá trình triển khai các dự án, chương trình về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ DTT nhấn mạnh, trong gần 2 năm vừa qua việc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tạo ra được những bước chuyển lớn mang tính “bẻ lái” cho công cuộc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Trước hết, về nhận thức, chúng ta đều nghe rất nhiều và nhìn thấy sự quyết tâm của lãnh đạo cao nhất. Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ ký số văn bản điện tử và ban hành trực tiếp. Sau đó, nhiều văn bản điện tử khác cũng đã được ký, nhiều văn bản được phát hành ra chỉ trong khoảng nửa ngày, trong khi trước đó có những văn bản phải mất cả tuần người dân, doanh nghiệp mới được tiếp cận, biết đến.

“Đây là một việc tưởng như rất đơn giản nhưng chúng ta đã phải mất rất nhiều năm để có thể làm được. Bởi lẽ, để làm được việc ký và ban hành văn bản điện tử, tất cả các điều kiện khác phải đầy đủ, đảm bảo rằng khi Thủ tướng Chính phủ ký văn bản điện tử thì văn bản đó phải có tính pháp lý, tính an toàn, bảo mật tương tự như văn bản giấy. Chúng ta đã phải mất một thời gian dài để làm việc này này, đó không chỉ là bài toán kỹ thuật mà còn là bài toán thể chế thế nào? bài toán trong bộ máy giúp việc của Chính phủ thế nào để đảm bảo câu chuyện đó được thực thi.

Tôi nghĩ rằng, đó là một dấu mốc rất lớn trong xây dựng Chính phủ điện tử, khi chúng ta có văn bản do người đứng đầu ký trực tiếp bằng chữ ký số và ban hành ngay lập tức tới toàn bộ mọi người trong hệ thống. CNTT phải giúp rút ngắn thời gian xử lý các công việc và nhờ ứng dụng CNTT chúng ta có thể theo dõi phản hồi để cải thiện”, ông Nguyễn Thế Trung chia sẻ.

Chuyên gia Nguyễn Thế Trung đánh giá rất cao việc Chính phủ đã đưa ra được Nghị quyết 17, một bản Nghị quyết khác biệt và mới mẻ, đã chỉ rõ những lỗ hổng về thể chế chính sách mà nếu không có thì chúng ta không thể xây dựng được một Chính phủ điện tử tốt, hoạt động hiệu quả.

Đặc biệt, theo ông Trung, liên quan đến vấn đề công nghệ, theo tinh thần của Nghị quyết 17, thời gian vừa qua, chúng ta không chỉ đang nói đến một số ứng dụng Chính phủ điện tử mà đã đặt ra vấn đề xây dựng nền tảng cho Chính phủ điện tử, đã yêu cầu mọi hệ thống phải tham gia vào nền tảng này. Câu chuyện để chuyển thông tin từ hệ thống A sang hệ thống B sẽ không còn rào cản về mặt kỹ thuật.

Lý giải rõ hơn tầm quan trọng của việc cần có nền tảng cho Chính phủ điện tử, vị chuyên gia này chỉ rõ: “Nếu chúng ta muốn xâu chuỗi các hoạt động của Chính phủ điện tử lại với nhau và điều hành công việc dựa trên thông tin tức thời thì chúng ta phải dựa trên một nền tảng chung, chứ không thể nào bao nhiêu đơn vị của Chính phủ là bấy nhiêu hệ thống CNTT “không nói chuyện với nhau””.

Nền tảng chung này (Trục liên thông văn bản quốc gia và trong tương lai sẽ phát triển thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia – PV) hiện nay đang được tích cực xây dựng, đã được ứng dụng trong xử lý văn bản điện tử; đã tích hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương với Trung ương trong việc cung cấp một số dịch vụ công về hộ tịch, đăng ký kinh doanh…; và sắp tới Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống báo cáo quốc gia cũng sẽ được tích hợp vào.

Đi kèm với các giải pháp công nghệ mà đi kèm, để đảm bảo việc các hệ thống CNTT có thể “nói chuyện với nhau”, Chính phủ đã giao Bộ TT&TT xây dựng Nghị định về kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Dự thảo Nghị định này đã được xây dựng, trình lên Chính phủ và về cơ bản trong bản dự thảo đã tạo điều kiện để các đơn vị có thể kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau.

Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được sớm tháo gỡ

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử nói chung và Nghị quyết 17 nói riêng vẫn còn những tồn tại hạn chế, đơn cử như: một số nhiệm vụ triển khai chưa đáp ứng được tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; còn tình trạng xin lùi thời hạn, chưa chủ động trong thực hiện.

Bên cạnh đó, do thiếu sự lãnh đạo tập trung trong xây dựng Chính phủ điện tử dẫn đến tình trạng đầu tư trung lặp, lãng phí, thiếu đồng bộ tại một số bộ, ngành, địa phương; một số văn bản tạo hành lang pháp lý cho xây dựng Chính phủ điện tử chưa được ban hành; tiến độ xây dựng một số hệ thống thông tin làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử còn chậm, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; số lượng dịch vụ công trực tuyến nhiều nhưng tỷ lệ phát sinh hồ sơ thấp, hiệu quả chưa cao; còn tiềm ẩn nguy cơ về an ninh, an toàn thông tin, lộ lọt bí mật nhà nước; việc bố trí ngân sách cho xây dựng Chính phủ điện tử còn gặp nhiều khó khăn.

Chuyên gia Nguyễn Thế Trung cũng nhấn mạnh: "Thách thức lớn trong giai đoạn tiếp theo là từ những bước chuyển mang tính “bẻ lái” của giai đoạn vừa qua để nhân rộng, lan tỏa đến các địa phương, đơn vị đang làm là một khối lượng công việc khổng lồ. Giai đoạn tới, yêu cầu đặt ra không phải chỉ đòi hỏi một vài dự án, đề án mà cần có một khung kỹ thuật, khung thể chế và khung đầu tư để các bên có thể tham gia hiệu quả nhất".