Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ TT&TT, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng chủ trương ứng dụng CNTT, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số là xu thế tất yếu.

Thời gian qua, ngành Kiểm sát đã quyết tâm đưa ứng dụng CNTT, công nghệ số vào công tác quản lý, điều hành của ngành cả về chuyên môn, con người để kiểm soát được việc thực thi pháp luật dù vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Lê Minh Trí cũng cho biết sẻ những khó khăn này một phần được san sẻ khi Bộ TT&TT hỗ trợ trong việc nghiên cứu, tiếp cận trong đầu tư hạ tầng, nâng cấp phần mềm, tư vấn lộ trình đầu tư CNTT một cách hiệu quả.

Theo lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ngành Kiểm sát đang phải đối mặt với nhiều áp lực về biên chế. “Các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra tăng lên nhưng con người lại giảm, đặt ra vấn đề là phải đào tạo lại, nâng chất lượng đội ngũ cán bộ. Để làm được không thể thiếu ứng dụng CNTT. Đây là động lực, đột phá để cân bằng lại áp lực khác trong các nhiệm vụ sắp tới. Chúng tôi thấy ý nghĩa là vai trò rất lớn của ứng dụng CNTT”, ông Trí nói.

Từ quan điểm của mình, ông Lê Minh Trí cũng cho rằng cần phải đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống luật pháp để có thể theo kịp, kiểm soát được với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện nay.

{keywords}
Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. (Ảnh: Phạm Hải)

CNTT đang được ứng dụng và góp phần quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống, tác động đến hành vi, thói quen của người dân. Do đó, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cho rằng: "Nếu đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhưng hệ thống pháp luật không điều chỉnh, bổ sung kịp thời thì sẽ không có hành lang pháp lý để chúng ta quản lý, kiểm soát kịp. Đặc biệt là khi có những hành vi xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, quốc gia thì chúng ta cần bảo vệ".

Theo phân tích, các loại tội phạm trên mạng ngày càng trở nên phổ biến. Chẳng hạn, đánh bạc, lừa đảo và các hoạt động vi phạm pháp luật trên mạng đã có trên mạng thời gian qua diễn ra với quy mô ngày càng lớn hơn. Do đó, cần xây dựng cập nhật hệ thống pháp luật để kiểm soát để ngăn ngừa tội phạm công nghệ cao cũng như cập nhật hệ thống pháp luật trong tư pháp để có thể phòng ngừa, xử lý, ngăn chặn hiệu quả tội phạm công nghệ cao.

Một vấn đề nữa phát sinh đó là tính pháp lý của các chứng cứ, tài liệu từ các vụ việc phát sinh trên không gian ảo. " Hiện nay, chứng cứ điện tử đang là một thách thức của chúng ta. Trong Luật Tố tụng hình sự có nói nhưng còn chưa cụ thể. Do đó, Chúng ta thu thập chứng cứ điện tử, sử dụng khai thác như thế nào, vẫn còn lúng túng", ông Trí nói.

Các vấn đề nảy sinh, chứng cứ điện tử trên môi trường ảo phức tạp hơn trong đời thực. Do đó, cần đồng bộ không chỉ quy định pháp luật để quản lý để kiểm soát, xử lý các hành vi phạm tội, phục vụ cho phát triển đất nước, không tạo ra sự bất ổn trong đời sống xã hội.

Duy Vũ

"Phải hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trong năm 2022"

"Phải hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trong năm 2022"

Nhấn mạnh đến vai trò "sống còn" của dữ liệu quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết cần đẩy mạnh xây dựng các cơ sở dữ liệu, mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân, doanh nghiệp.