Khảo sát mới nhất của Kaspersky cho thấy, hơn một nửa (59%) trẻ em ở khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC) dùng điện thoại để tham gia các lớp học trực tuyến.

{keywords}
Nhiều học sinh dùng điện thoại để học tập và giải trí. (Ảnh: Hải Đăng)

Điều này khá tương đồng với tình hình tại Việt Nam. Trong đợt bùng phát dịch tháng 4 năm ngoái, thầy giáo Phan Văn Trí (Trường THPT Chuyên Long An), cho biết 70-80% học sinh sử dụng điện thoại để học online.

Theo thầy Trí, học sinh chọn điện thoại vì tính tiện lợi, linh hoạt, học được mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên đây là lứa học sinh cấp 3, hầu hết đã được phụ huynh trang bị điện thoại riêng.

Một số phụ huynh khác có con em học tiểu học, THCS lại cho con học bằng máy tính để bàn, laptop.

Khảo sát của Kaspersky cho thấy ba trong số năm trẻ em trong khu vực này (60%) gặp khó khăn về kỹ thuật khi phải thường xuyên hoặc định kỳ kết nối với các bài giảng trực tuyến. Đa số (79%) được cha mẹ giúp đỡ khi sử dụng thiết bị. Tuy nhiên, 16% học sinh có thể tự giải quyết các vấn đề kỹ thuật.

Một số thầy cô cho biết tại Việt Nam, học sinh cấp 3 và sinh viên đại học hoàn toàn chủ động trong việc kết nối các lớp học online, không gặp vấn đề về kỹ thuật. Trong khi đó, một số học sinh cấp 1, cấp 2 được bố mẹ hướng dẫn giai đoạn đầu, sau đó các em chủ động trong việc thao tác trên thiết bị.

Theo khảo sát nói trên, rất nhiều học sinh tại khu vực APAC đã phải cài đặt thêm ứng dụng trên thiết bị. Ví dụ: 38% học sinh bắt đầu sử dụng các dịch vụ hội nghị mới và 43% tải xuống các chương trình mô phỏng tương tác và chương trình giáo dục khác.

Tại Việt Nam, học sinh cấp 3 và sinh viên thường dùng các ứng dụng như Google Classroom, Zoom, Microsoft Teams. Trong khi đó, lớp nhỏ hơn thường được cô giáo gửi nội dung bài học qua email, qua Zalo của bố mẹ để học sinh nhận bài tập, bài giảng.

Khảo sát của ICTnews ở một số phụ huynh cho thấy, các bé cấp 1, đầu cấp hai đều sử dụng lại máy tính, laptop của bố mẹ. Hoặc cả bố mẹ và con em dùng chung máy tính. Khá ít trường hợp mua mới.

Trong khi đó, ở nhóm cấp hai cuối cấp trở lên, các em học sinh đã được ba mẹ trang bị máy tính hoặc điện thoại riêng.

Còn trong khảo sát của Kaspersky, để trẻ có những thiết bị cần thiết cho các lớp học trực tuyến, cứ một trong hai gia đình ở khu vực APAC (49%) có 2 con trở lên phải mua hoặc thuê thêm thiết bị. Đây là tỷ lệ cao thứ hai trên toàn cầu, chỉ đứng sau châu Phi (62%). Sau đó là Mỹ Latinh với tỷ lệ 48%, mức thấp nhất được ghi nhận ở Trung Đông với 42%.

Khảo sát cũng cho thấy cứ 5 phụ huynh thì có 1 người bắt đầu cảm thấy cần có giải pháp bảo mật. Hãng bảo mật Nga cho rằng ba mẹ cần có giải pháp bảo mật, bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng.

Hải Đăng

Con học online, bố mẹ tận dụng thiết bị cũ để tiết kiệm chi phí

Con học online, bố mẹ tận dụng thiết bị cũ để tiết kiệm chi phí

Một số trường học yêu cầu học sinh học online nhưng bố mẹ vẫn tận dụng thiết bị hiện có hoặc dùng chung với cha mẹ chứ chưa muốn mua mới để tiết kiệm chi phí và kiểm soát được thời gian sử dụng.