Những ngày qua, dư luận bất bình trước việc hàng trăm người dân giẫm đạp lên mộ để livestream (phát trực tiếp) cảnh tiễn đưa nghệ sĩ Anh Vũ.

Tuy hoạt động livestream, quay phim ngày càng được rộng rãi, đặc biệt trong thời đại mỗi người đều có một smartphone. Thế nhưng, ít người hiểu rõ quyền và nghĩa vụ khi thực hiện các video này.

Dam dong livestream o dam tang Anh Vu co vi pham? hinh anh 1
Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự đồng ý của chủ thể.

"Livestream thực chất là hoạt động quay phim, chụp ảnh. Hoạt động này được pháp luật quy định cụ thể từ lâu", Phan Vũ Tuấn, giám đốc công ty luật Phan Law tại TP.HCM cho biết.

Theo luật sư Vũ Tuấn, ngoài các địa điểm, cơ quan nhà nước có bảng cấm quay phim chụp ảnh, người dân cũng cần lưu ý đến quyền nhân thân của người khác.

Cụ thể, theo Điều 32, Bộ luật dân sự 2014 quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình:

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Dam dong livestream o dam tang Anh Vu co vi pham? hinh anh 2
Khi không có sự đồng ý, cá nhân thực hiện livestream có thể bị xử lý theo pháp luật.

Như vậy, việc quay, chụp, livestream bất cứ ai đều phải có sự đồng ý của chủ thể. Việc tự ý quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người đó mà xâm phạm nhân phẩm danh dự của người đó được coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp nhóm người livestream tại đám tang của nghệ sĩ Anh Vũ sẽ vi phạm nếu gia đình không cho phép việc livestream.

Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube cũng có những quy định cho việc livestream. Tuy vậy, nội dung của những quy định này tương tự với việc đăng tải video.

Trong đó, các video về bạo lực, máu me, khiêu dâm, ấu dâm... sẽ bị cấm trên các nền tảng này.

"Nếu livestream cảnh tai nạn, bạo lực, đánh nhau, người thực hiện có thể bị khóa tài khoản vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của các mạng xã hội. Bên cạnh đó, nếu trong video livestream có vi phạm bản quyền như âm nhạc, video, chủ tài khoản cũng có nguy cơ bị các nền tảng xử lý", Mai Thanh Phú, người nổi tiếng trong giới làm dịch vụ Facebook chia sẻ.