Chiều 27/8, trong nhóm chat Zalo của cửa hàng Bách hoá Xanh ở đường Cây Keo (Tân Phú), một khách hàng phản ánh hành lá mua về “không tươi, bị thúi” (mặc dù ảnh chụp cho thấy hành cũng không tệ). Một người khác trả lời: “Có giao là mừng rồi, người ta đặt hoài không được nè”. 

Câu chuyện trên phản ánh tình hình chung hiện nay của nhiều người tại TP.HCM: Mua thực phẩm khó khăn, hàng hoá sẽ không được tươi ngon như trước.

{keywords}
Một shipper đứng trước cửa hàng thực phẩm trong giai đoạn TP.HCM siết giãn cách. (Ảnh: Hải Đăng)

Chị Bảo Vy (Phú Nhuận) cho biết, đơn đặt hàng tại các siêu thị đã xác nhận nhưng không thấy giao, hoặc 4-5 ngày mới giao. Còn mua từ các tiểu thương online thì do khó khăn trong giao hàng nên phí ship tăng lên. Hàng hoá đắt hơn thông thường, thực phẩm không tươi.

“Tiền giao hàng tăng quá trời. Tổng tiền giao hàng của mấy đơn online em mua mà em tổng kết chắc 500-600 ngàn rồi á, gấp 3-4 bình thường”, chị Vy nói vẻ không vui.

Trước 23/8, chị Vy vẫn đặt hàng qua các ứng dụng như Now, GrabMart, “đợi cả tiếng mới có người nhận đơn”. Sau 23/8, do thành phố siết chặt hoạt động của shipper, chị Vy cho biết đơn hàng có lúc nhận có lúc không.

Dù khó khăn nhưng chị Bảo Vy vẫn mua được hàng, trong khi một số khác không được như vậy. Anh Lê Duy (Phường 5, Quận 3) cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa mua được thực phẩm.

“Mua qua tổ trưởng thì đang bị quá tải. Mua qua ứng dụng siêu thị hay người trên Facebook đã thành công, thanh toán xong, vài ngày sau báo thiếu hàng, xin lỗi, rồi trả lại tiền. Mấy chỗ khác mua được nhưng yêu cầu mua theo combo số lượng lớn, ví dụ 1 combo giá 100.000 đồng phải mua 10 combo”, anh Duy kể.

Anh Duy có mua hàng trên Grab hay Now nhưng shipper không di chuyển được. “Hôm qua anh shipper xin lỗi vì không qua được chốt, em đành tặng lại đồ cho anh shipper luôn”, Duy nói.

Tình trạng hàng hoá khan hiếm, khó giao cũng được đề cập trên nhiều chợ online. Trên nhóm Facebook “Chợ online Quận 7”, có khá nhiều người bình luận cho biết, người bán đã nhận đơn nhưng chưa giao tới, hoặc hàng hoá vừa đăng lên thì hết.

Một người bán tên Nga Tran trong nhóm này do không thể đi ship nên sẽ đặt hàng qua các ứng dụng giao hàng để giao cho khách. Tuy nhiên người này yêu cầu khách tự đặt shipper, và cân nhắc xem đoạn đường vào nhà mình có bị chặn hay không kẻo tốn công ship.

Rất nhiều người trong nhóm này thường đăng địa chỉ nhà của mình lên để xem có ai có thể giao tới hay không. Một số người không ra khỏi nhà để lấy hàng được vì có các chốt chặn ở hai đầu đường.

Các siêu thị như Vinmart+, Bách hoá Xanh hiện nay tự tạo các nhóm chat Zalo của từng cửa hàng để phục khách xung quanh. Tuy nhiên, các siêu thị này thường xuyên quá tải. Rất nhiều người chat trong nhóm cho biết chưa nhận được hàng, dù đã đặt 3-4 ngày. 

Trong nhóm chat của cửa hàng Vinmart+ đường Nguyên Hồng (P.1, Gò Vấp), có nhân viên cho biết, chưa có rau và thịt cá. Nhiều người khác cũng chưa biết tình trạng đơn hàng của mình ra sao. Có thành viên Diễm Trang cho hay, đã đặt hàng từ Bách hoá Xanh sang đến cửa hàng Vinmart+ này nhưng vẫn chưa thành công.

TP.HCM đang tiếp tục những ngày thực hiện giãn cách triệt để, người dân lẫn shipper ra đường đều phải có giấy được cơ quan chức năng cấp. Việc này làm gián đoạn việc lưu thông trong ngắn hạn. Tuy nhiên thành phố đang triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ, như thành lập đội shipper tình nguyện, tận dụng các tổ dân phố, thanh niên xung phong, bộ đội... để lên đơn, giao hàng. 

Dù một số nơi chưa nhận được hàng nhưng rất nhiều người khác cho biết đã nhận được đơn giao từ khu phố. Đặc biệt, hình ảnh những người lính quân đội đi giao hàng đến từng ngõ hẻm những ngày này đang gây ấn tượng rất tốt đối với người dân thành phố.

“Em không sợ đói lắm, kiểu gì cũng sẽ có đồ ăn thôi. Không hoàn hảo đầy đủ như lúc bình thường nhưng mình chấp nhận được mà. Tình hình chung đang khó khăn, phải chấp nhận thôi”, chị Trâm (Phường 1, Gò Vấp) chia sẻ.

Hải Đăng

TP.HCM: Chợ online tại các chung cư vắng vẻ

TP.HCM: Chợ online tại các chung cư vắng vẻ

Sau chỉ thị quyết liệt từ chính quyền thành phố nhằm nâng cao biện pháp phòng chống dịch, chợ online ở các chung cư vắng hẳn người bán.