Hiếm có khi nào các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ lại đồng tâm đứng về phía của những nhà quản lý, nhà chống độc quyền và các cơ quan khác như lúc này. Dù không hiện diện chính thức tại hội nghị Code do Vox Media tổ chức, doanh nghiệp đến từ Trung Quốc lại chiếm “spotlight” của sự kiện.

{keywords}
(Ảnh: Axios)

Trong bối cảnh các “gã khổng lồ” công nghệ khác tăng trưởng lẹt đẹt, thậm chí sụt giảm doanh thu, sự trỗi dậy của TikTok - ứng dụng video ngắn của ByteDance - như một cái gai trong mắt Silicon Valley. Họ lo ngại TikTok có thể làm nhiều thứ với hàng triệu người dùng, trong đó có vô số người dùng trẻ và lo ngại về thuật toán “ma thuật” của TikTok. Họ lo sợ viễn cảnh TikTok có thể bị lợi dụng để phát tán thông tin sai sự thật, gieo rắc mối bất hòa hay thao túng thế giới.

Tại Code, CEO Google Sundar Pichai nhắc đến TikTok như một đối thủ của YouTube và một bằng chứng cho thấy cạnh tranh vẫn luôn tồn tại. “Một điều quan trọng của công nghệ là đối thủ nhảy ra từ hư vô. 3 năm trước, không ai trong chúng ta nói về TikTok”.

Trong khi đó, Scott Galloway - Giáo sư tiếp thị tại Đại học New York kiêm chủ kênh podcast Pivot - nhận xét một cách hài hước: “Có hai chủ đề chính tới lúc này tại Code: đầu tiên là Tik, thứ hai là Tok”. Dù vậy, anh tận dụng mọi cơ hội để nhắc đến các nguy cơ của TikTok và kêu gọi cấm ứng dụng. Những người khác cũng hào hứng tham gia.

CEO Snap Evan Spiegel đưa ra cái nhìn chi tiết nhất về tăng trưởng của TikTok, chỉ ra số tiền lớn mà công ty mẹ ByteDance bỏ ra thâu tóm các nhà sáng tạo nội dung và khách hàng, biến một ứng dụng kém tiếng thành hiện tượng toàn cầu. Ông cho rằng: “Không một startup nào đủ khả năng chi hàng tỷ tỷ USD để lôi kéo người dùng khắp thế giới. Nó là chiến lược hoàn toàn khác so với bất kỳ công nghệ nào khác trước đó vì không dựa trên sự đổi mới”. Nền tảng người dùng khổng lồ giúp thuật toán TikTok càng mạnh hơn mà không dịch vụ nào có thể có được.

Thượng Nghị sĩ Amy Klobuchar tiết lộ dự luật chống độc quyền mà bà đề xuất sẽ bao trùm cả TikTok khi công ty đủ lớn. Theo dữ liệu hồi tháng 8 của trung tâm nghiên cứu Pew, TikTok lôi kéo thành công người dùng trẻ khỏi Meta và phổ biến hơn cả Instagram, Snapchat với người dùng tuổi teen. Những “ông lớn” Mỹ không thể hoạt động ở Trung Quốc do bị cấm và nay lại mất cả sân nhà về tay một công ty đại lục. Đúng như nhà báo kiêm MC sự kiện Code Kara Swisher ví von, TikTok “đang ăn mất bữa trưa của họ”.

Có lẽ lời chỉ trích TikTok mạnh mẽ nhất là của Mathias Dopfner, CEO của Axel Springer – chủ sở hữu các ấn phẩm Insider, Politico và Protocol. Dopfner mô tả TikTok là đối thủ nổi bật trong ngành công nghiệp sáng tạo, nội dung và truyền thông. Ông cũng kêu gọi cấm ứng dụng này.

“TikTok nên bị cấm tại mọi nền dân chủ. Tôi cho rằng thật ngớ ngẩn khi không làm như vậy. Chúng ta không thể tiến vào Trung Quốc với Facebook, với Google, với Amazon, với nền tảng khác. Vì vậy, tại sao chúng ta lại cho phép họ đóng vai trò chi phối như vậy trong nền kinh tế thị trường tự do của chúng ta?".

Ông còn nói thêm hậu quả của sự lệ thuộc không dừng lại ở kinh doanh mà là chính trị với tác động lớn.

Trong số những nhân vật tham dự Code, chỉ có CEO Apple Tim Cook tỏ ra trung lập. Ông nói với đám đông: “Tôi không phải chuyên gia về TikTok”.

Du Lam (Theo Axios, Forbes)

Instagram chật vật đấu TikTok

Instagram chật vật đấu TikTok

Instagram đối mặt thực tế nghiệt ngã khi cố bắt chước TikTok. Các nhà sáng tạo nội dung đi theo ‘tiếng gọi của view’ bất chấp nỗ lực của Instagram.