- LTS: Thông tin dầu cá nguồn gốc Trung Quốc ăn mòn thùng xốp đang khiến không ít người hoang mang. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc dầu cá ăn mòn xốp là hiện tượng rất bình thường. VietNamNet xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Cao Luân, NCS ngành sinh học phân tử tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản.

Mới đây có thông tin dầu cá Trung Quốc khi thử nghiệm bằng cách cắt ra và thử lên miếng xốp thì xuất hiện hiện tượng làm chảy xốp. Dưới đây tôi xin phân tích rõ lý do tại sao có hiện tượng đó. Tại sao dầu cá của Mỹ, Nhật lại không có hiện tượng (theo các phương tiện truyền thông đăng tải), và cách này có thật sự giúp phân biệt 2 loại dầu cá kia? Uống dầu cá Trung Quốc với Mỹ thì có gì khác nhau đối với sức khỏe?

Ăn mòn hay hòa tan?

Đầu tiên, phải đính chính lại thông tin từ các báo. Đây không phải là hiện tượng “ăn mòn”, mà là hiện tượng “hòa tan”. Và không phải là “để viên dầu cá” lên miếng xốp, mà là cắt ra và chế dầu bên trong viên nang lên miếng xốp.

{keywords}
Hiện tượng dầu cá "ăn mòn" xốp là rất bình thường. 

ĂN MÒN khác HÒA TAN ở điểm nào? Xin giải thích ngắn gọn như sau:

- Ăn mòn, theo nghĩa hẹp, là hiện tượng một chất rắn bị mất dần, do gặp chất lỏng hoặc chất ký có chứa chất tạo phản ứng làm biến đổi chất rắn này thành chất khác.

- Hòa tan, theo nghĩa hẹp, là hiện tượng một chất rắn bị phân tách ra đến cấu trúc nhỏ nhất có thể (gọi là phân tử) và trộn lẫn vào chất lỏng. Chất rắn này không bị biến thành chất khác.

Theo đó, hiện tượng trên các báo đang nói, là hòa tan, tức miếng xốp tan vào trong dầu cá, giống như viên muối đường vào trong nước vậy.

Quan trọng hơn, điều đó không hề phản ảnh là dầu cá này độc hại.

Như đã nói, nó giống như nước hòa tan muối vậy. Muối là tinh thể cứng hơn miếng xốp rất nhiều, mà nước còn hòa tan được, vậy nếu chỉ nhìn hiện tượng dầu cá hòa tan miếng xốp mà nói là dầu cá độc hại, thì chúng ta nói sao về nước đây?

Để minh chứng rõ hơn cho điều này, xin dẫn chứng ra 1 dung môi nữa cũng hòa tan xốp, thậm chí còn nhanh gấp mấy chục lần dầu cá, nhưng nhiều chị em vẫn hay sử dụng vô tư. Đó là dung dịch nước rửa móng tay. Dung dịch này chứa acetone (a-xê-tôn), chất này làm tan miếng xốp cực kỳ nhanh, gần như tức thì. Mọi người có thể thử tại nhà.

Như vậy, một lần nữa, xin khẳng định, hiện tượng dầu cá “ăn” miếng xốp kia, thật ra là hiện tượng hòa tan đơn thuần, và hiện tượng vật lý đơn thuần này hoàn toàn không phản ánh gì về được mức độ tốt xấu của dầu cá. Tuy nhiên, về sau tôi sẽ nói lý do thật sự khiến nó có thể giúp phân biệt dầu cá tốt với không tốt.

Vì sao dầu cá Mỹ, Nhật không có hiện tượng này?

Thực tế, dầu cá loại nào cũng có hiện tượng này nếu để trong thời gian dài hơn, khoảng 2-3 giờ.

Vậy tại sao có sự khác biệt này?

Nguyên nhân là có hai loại dầu cá: Dầu cá tự nhiên và dầu cá bán tổng hợp (hoặc bán tự nhiên).

- Dầu cá TỰ NHIÊN chủ yếu chứa các chất béo ở dạng Triglyceride (TG). Các chất béo Omega-3 trong dầu của mọi loài cá gần như tuyệt đối là ở dạng TG. TG bao gồm 3 acid béo gắn với nhau thông qua 1 phân tử gọi là glycerol.

- Dầu cá BÁN TỔNG HỢP chủ yếu là các chất béo ở dạng Ethyl ester (EE), là sản phẩm của quá trình phản ứng giữa chất béo ở dạng TG với cồn (ethanol), gọi là quá trình trans-ester hóa TG bằng cồn.

Lý do cần phải làm việc này vì đây là cách đơn giản nhất để tách 3 acid béo đang dính trên cùng 1 glycerol ra khỏi nhau. Từ đó, dễ dàng phân loại acid béo theo nhóm. Các acid béo chưa bão hòa đa, mạch dài như EPA, DHA nhờ đó mà được tách ra khỏi hỗn hợp acid béo, và sản phẩm cuối cùng được gắn mác là “Dầu cá Omega-3”.

Chất béo ở dạng EE có độ phân cực gần với polystyrene hơn, năng lượng tạo lỗ trống cũng ít hơn, nên hòa tan polystyrene tốt hơn ở dạng TG nhiều lần. Do đó, đây là lý do dầu cá bán tổng hợp hòa tan xốp nhanh hơn dầu cá tự nhiên nhiều lần.

Thực tế, tất cả dầu cá đều đi qua công đoạn tạo thành dạng EE, chưng cất lấy omega-3, nhưng thêm 1 bước nữa là tái tổng hợp trở về dạng TG. Bước này làm tăng giá sản phẩm, cho nên những nhà sản xuất dỏm sẽ có xu hướng bỏ qua bước này để giảm giá thành. Nhưng từ đó, cần phải hiểu đúng chữ TỰ NHIÊN ở đây là GIỐNG VỚI TỰ NHIÊN, chứ không có dầu cá Omega-3 nào trên thị trường mà hoàn toàn trích từ tự nhiên. Và không phải dầu cá nào từ Mỹ, Nhật đều là dầu cá dạng TG. Cách đơn giản nhất để phân biệt là phương pháp thử dầu cá với miếng xốp, chờ kết quả sau 10-15 phút. Bạn có thể dùng loại ly “giấy”, đĩa “giấy” loại dùng 1 lần rồi bỏ, hoặc hộp cơm hộp cũng được, chúng đều là polystyrene.

Dầu cá nào tốt cho sức khỏe?

Điề đầu tiên cần phải nói tới, đó là dầu cá TỰ NHIÊN sẽ hấp thu nhanh hơn dầu cá BÁN TỔNG HỢP. Đó là vì dầu cá tự nhiên (ở dạng TG) theo đúng cơ chế hấp thu chất béo của cơ thể một cách…tự nhiên. Trong khi đó, dầu cá bán tổng hợp (ở dạng EE) không theo cơ chế này được, ngược lại còn bị hạn chế trong quá trình chuyển đổi và hấp thu, nên hấp thu chậm hơn.

Thứ hai, dầu cá dạng TG có nồng độ trong máu cũng như hoạt tính sinh học cao hơn dạng EE. Mặc dù có một số ít báo cáo cho kết quả là 2 dạng như nhau, nhưng đa số các báo cáo đều thống nhất rằng dạng TG cho lượng hấp thu cao hơn dạng EE từ 35% đến 50%.

Thứ ba, dạng EE kém bền hơn dạng TG. Một nghiên cứu cho thấy, DHA ở dạng EE hư hỏng nhanh hơn dạng TG 33% sau 10 tuần trong điều kiện oxy hóa[14]. Hơn nữa, như đã nói ở phần trên, do bị trì hoãn trong việc tái tạo thành dạng TG sau khi được hấp thu qua ruột non, sản phẩm acid béo từ dạng EE mà ra phải tồn tại ở dạng tự do (FFA) lâu hơn, do đó khả năng bị oxy hóa cũng nhiều hơn.

Cuối cùng, dạng TG an toàn hơn đối với những ai nhạy cảm với cồn. Vì chất béo dạng EE sau khi vào bao tử, phải bị cắt thành acid béo tự do và cồn, trước khi được hấp thu vào ruột non. Do đó, những ai nhạy cảm với hàm lượng cồn dù thấp (ví dụ như bị loét bao tử) sẽ cần phải thận trọng khi dùng dầu cá dạng này.

Kết luận

Tất cả các dầu cá Omega-3 đang bán ngoài thị trường có thể được chia làm 2 nhóm: dầu cá tự nhiên (chứa các chất béo omega-3 đa số ở dạng Triglyceride) và dầu cá bán tổng hợp (chứa các chất béo đa số ở dạng fatty acid ethyl ester).

Qua nhãn mác, hầu như không thể phân biệt 2 loại này. Một phương pháp để phân biệt được nhiều trang web về dầu cá omega-3 khuyên là dùng 1 cái ly xốp, loại mà mọi người thường gọi là ly “giấy”. Ly này thật ra được làm từ xốp polystyrene. Cắt và đổ khoảng 20ml dầu cá cần kiểm tra vào, và đợi 10-15 phút. Sau 10-15 phút, nếu ly bị thủng và dầu chảy qua đáy ly, đó là dầu cá bán tổng hợp. Dầu cá tự nhiên cũng cho hiện tượng tương tự nhưng với thời gian khoảng 2 – 3 giờ.

Nên dùng dầu cá tự nhiên, nhất là với những ai nhạy cảm với cồn (ví dụ như bị loét bao tử). Điều đó không có nghĩa là dầu cá bán tổng hợp là xấu, nhưng tiền nào của đó, hàng rẻ hơn thì lượng chất bổ bạn nhận được cũng sẽ thấp hơn (nhưng không có nghĩa là không bổ hoặc độc hại). Xin nhấn mạnh lần nữa, cả 2 loại dầu cá đều tốt, nhưng dầu cá tự nhiên thì tốt hơn.

Nguyễn Cao Luân

TIN LIÊN QUAN