Giả sử như bạn vừa muốn tiết kiệm mà vừa muốn có một chiếc iPad để sử dụng. Có lẽ mẫu iPad cơ bản sẽ là lựa chọn mà bạn nghĩ đến đầu tiên vì đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng với cấu hình mạnh mẽ, song thiết kế của máy lại khá lỗi thời, ngoài ra còn chỉ hỗ trợ bút Apple Pencil đời đầu và không có màn hình viền mỏng như iPad Air hay iPad Pro mới nhất.

Và khi đó, bạn sẽ tự nhủ với bản thân rằng chỉ cần chi thêm một chút tiền là đã có một chiếc iPad Air hợp thời hơn. Đây là sản phẩm được đánh giá là lựa chọn tốt nhất so với số tiền cần bỏ ra. Nhưng bằng một cách nào đó Apple lại khiến người dùng đau đầu khi chỉ cung cấp hai tùy chọn bộ nhớ 64 GB và 256 GB. Bước nhảy lớn về bộ nhớ cũng đồng nghĩa với số tiền mà người dùng cần bỏ ra cũng nhiều hơn tương đối.

iPad Air 64 GB hiện tại có giá 600 USD, trong khi phiên bản 256 GB có giá 750 USD. Với những ai cần lưu trữ nhiều dữ liệu như nhạc, phim hay trò chơi trên máy tính bảng của mình, 64 GB bộ nhớ trong sẽ không đủ để đáp ứng. Apple biết điều đó và hãng đã khéo léo chuyển sự chú ý của người dùng từ việc chọn mua iPad Air 256 GB sang iPad Pro 11 inch có giá nhỉnh hơn chỉ 50 USD, tức 800 USD.

Đây là cách Apple dắt mũi, khiến người dùng luôn muốn mua những sản phẩm đắt tiền hơn - Ảnh 1.
 

Lúc này, iPad Pro 11 inch bản cơ bản với 128 GB lại là lựa chọn hợp lý hơn vì có màn hình tần số quét cao cùng hiệu năng từ chip M1 mạnh mẽ. Và sau tất cả, Apple đã “dắt mũi” thành công người dùng từ việc chỉ muốn tìm mua một chiếc iPad cơ bản ban đầu sang chọn iPad Pro.

Cũng như iPad cơ bản, iPhone SE 2022 trông lỗi thời đều là có lý do, ngoài việc Apple tiết kiệm chi phí sản xuất bằng cách sử dụng lại kiểu dáng iPhone 8 đã 5 năm tuổi. Bên trong iPhone SE thực sự là một con quái vật hiệu năng khi sở hữu bộ vi xử lý A15 Bionic như trên iPhone 13 series và có thể đánh bại hầu hết flagship Android trong cùng mức giá. Tuy nhiên, Apple đã khiến chiếc máy này trông “tệ” hơn bằng cách khoác lên nó một thiết kế lỗi thời.

Chiêu trò đánh lừa thị giác này chủ yếu dựa vào cảm nhận của những người cần một chiếc máy có thiết kế đẹp, ví dụ như trẻ em hay thanh thiếu niên. Chúng sẽ nài nỉ phụ huynh mua cho bằng được chiếc iPhone 13 đắt hơn gần gấp đôi thay vì iPhone SE mặc dù cả hai đều có hiệu năng như nhau.

Bên cạnh những đối tượng người dùng là trẻ nhỏ, cách làm này cũng có hiệu quả với một số người lớn. Nếu là người đam mê công nghệ, chắc chắn rằng bạn sẽ không muốn dùng một chiếc điện thoại mới “mang hơi thở” từ năm 2017. Thay vào đó, bạn sẽ cần một cái gì đó trông hiện đại và hợp thời hơn.

Đây là cách Apple dắt mũi, khiến người dùng luôn muốn mua những sản phẩm đắt tiền hơn - Ảnh 2.
 

Nói tóm lại, iPhone SE 2022 được tạo ra dưới hình hài của iPhone 8 là có mục đích tạo sự khác biệt rõ ràng với dòng iPhone cao cấp. Bằng cách đó, ngay cả với đa số người dùng không quan tâm nhiều đến công nghệ, họ cũng sẽ đều bỏ qua nó và lựa chọn chiếc iPhone có kiểu dáng bắt mắt hơn.

Ngoài thiết bị phần cứng, Apple cũng có một cách khiến người dùng đau đầu khi tìm mua sản phẩm là tùy chọn dung lượng lưu trữ đi kèm. Giống như ví dụ về iPad nói trên, các tùy chọn bộ nhớ trên iPhone 13 có xu hướng chuyển sự chú ý của người dùng sang iPhone 13 Pro và 13 Pro Max.

Hiện tại, iPhone 13 bản 512 GB cao nhất có giá tương đương với iPhone 13 Pro 256 GB. Vô hình chung điều này sẽ khiến chúng ta có ít nhất một lần cân nhắc đến mẫu 13 Pro khi lựa chọn iPhone 13 có bộ nhớ cao. Và việc Apple kiểm soát chặt chẽ các tùy chọn lưu trữ đắt tiền là một lý do điển hình lý giải vì sao iPhone không có khe cắm bộ nhớ mở rộng. Bên cạnh việc tránh xung đột giữa chất lượng bộ nhớ trang bị sẵn theo máy với bộ nhớ gắn ngoài, Apple còn muốn thu về lợi nhuận từ việc cung cấp tùy chọn lưu trữ cố định.

Ngoài ra, để tránh khỏi những bẫy giá mà các nhà sản xuất đặt ra để khiến người tiêu dùng chi nhiều hơn, người dùng cũng cần so sánh giá sản phẩm ở nhiều nơi cùng các chương trình ưu đãi để có được mức giá hời nhất khi mua.

(Theo Nhịp sống kinh tế)