Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh theo Bộ Y tế

Theo tin từ Bộ Y tế, ngày 27/12/2018 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế với bảo hiểm thương mại trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, Ngành Trung ương, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm và một số tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện nay Việt Nam có 2 hình thức bảo hiểm là bảo hiểm y tế mang tính xã hội không vì mục đích lợi nhuận và được nhà nước tổ chức thực hiện theo luật – mọi người dân bắt buộc tham gia, và bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, mang tính kinh doanh, hoạt động có lợi nhuận.

 Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 87,5% dân số, khoảng 174 triệu lượt người khám chữa bệnh tại gần 13.000 cơ sở y tế, với số chi khám chữa bệnh khoảng 94.000 tỷ đồng. Bảo hiểm y tế đã đóng góp phần quan trọng trong tổng nguồn tài chính cho y tế giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, từng bước đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe. 

Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc đa dạng các gói bảo hiểm y tế; phương án tăng cường liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế với bảo hiểm thương mại trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Từ đó xây dựng các cơ chế tài chính hướng tới mục tiêu bảo đảm cho mọi người dân đều tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; huy động mọi nguồn tài chính, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân trong chăm sóc sức khỏe; nâng cao năng lực cạnh tranh trong trong cung ứng dịch vụ y tế, đảm quyền và nghĩa vụ của người tham gia bao hiểm y tế cũng như của doanh nghiệp bảo hiểm…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng việc liên thông giữa bảo hiểm y tế và bảo hiểm thương mại sẽ góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng thời giúp giảm thiểu gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước. 

Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế Lê Văn Khảm cho rằng việc liên kết giữa bảo hiểm y tế và bảo hiểm thương mại sẽ phòng, chống được gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, kiểm soát được chất lượng y tế đối với các đơn vị tham gia và cho phép các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm được tiếp cận thông tin về hồ sơ sức khỏe cá nhân theo quy định của pháp luật. 

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, để làm được điều này cần có một hành lang pháp lý phù hợp; đồng thời phải huy động mọi nguồn tài chính bảo đảm đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân trong công tác chăm sóc sức khỏe; nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ y tế…

Trong hai năm 2016 - 2017, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã kết nối được 99,5 % cơ sở khám chữa bệnh với hệ thống giám định Bảo hiểm Y tế. “Trong khi đó Nhật Bản - Hàn Quốc mất khoảng 10 - 20 năm, Việt Nam chúng ta chỉ mất 2 năm để triển khai. Một mặt là do chúng ta làm sau, có kinh nghiệm, khắc phục được tất những tồn tại, hạn chế mà các nước triển khai trước đã gặp phải. Lý do thứ hai là hệ thống của chúng ta là hệ thống thống nhất tập quyền từ Trung ương đến địa phương. 95% hệ thống y tế của Việt Nam là công lập; trong khi tại Nhật, Hàn Quốc 90% hệ thống y tế là tư nhân.

Với Thông tư 54 ngày 29/12/2017 về ban hành bộ tiêu chí ứng dụng CNTT trong bệnh viện, Bộ Y tế đã đề cập đến 7 mức ứng dụng CNTT trong bệnh viện, trong đó mức 6 là bệnh viện thông minh, mức 7 là bệnh viên có thể sử dụng không giấy tờ nếu đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật. “Gần đây nhất Ban Kinh tế Trung ương vừa thành lập một Ban chỉ đạo xây dựng chính sách để tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong khi đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 54 về bộ tiêu chí ứng dụng CNTT trong bệnh viện, đưa ra dáng dấp của y tế thông minh.