{keywords}
Tỉnh Điện Biên vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm. Ảnh minh họa: Tạp chí tài chính

UBND tỉnh Điện Biên vừa có quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch được ban hành nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chung của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ), giai đoạn 2019-2030 chung của quốc gia. Hình thành thói quen SDNLTK&HQ trong mọi hoạt động của xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế.

Tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng; hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương.

Theo đó, kế hoạch đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng khoảng 3,0 đến 5,0% tổng tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu năng lượng; giảm tổn thất điện năng xuống khoảng 6% vào năm 2025 (năm 2020 khoảng 6,5%); thay thế các thiết bị lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng bằng các thiết bị mới tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các cơ quan, công sở trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2030 đạt mức tiết kiệm năng lượng khoảng 7% tổng tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu năng lượng; giảm tổn thất điện năng xuống khoảng 5,5%; thay thế các thiết bị lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng bằng các thiết bị mới tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các cơ quan, công sở trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, kế hoạch đã đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: Nâng cao vai trò của quản lý nhà nước về SDNLTK&HQ; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thúc đẩy SDNLTK&HQ, bảo vệ môi trường.

Kế hoạch cũng đặt mục tiêu SDNLTK&HQ trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng, cơ quan, công sở. Ngoài ra, SDNLTK&HQ trong chiếu sáng công cộng, trong hộ gia đình, trong sản xuất nông nghiệp, trong hoạt động giao thông vận tải và giảm tổn thất điện năng trong điều hành cung ứng điện.

UBND Điện Biên giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, giúp UBND tỉnh theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 2021-2030 của các sở, ban ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện kế hoạch; chủ trì giám sát, đôn đốc, kiểm tra hoạt động triển khai, kết quả của từng cơ quan, đơn vị; tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hàng năm, đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh, Bộ Công thương; theo dõi, rà soát cơ chế, chính sách, đề xuất UBND tỉnh ban hành cho phù hợp điều kiện thực tế từng giai đoạn và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trên địa bàn tỉnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch SDNLTK&HQ trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nội dung của kế hoạch đến các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế, chính trị xã hội; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện kế hoạch. Xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết năm, giao nhiệm vụ cụ thể nội dung cho từng cơ quan chuyên môn cấp huyện, thành phố; tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động thực hiện kế hoạch trên địa bàn.

Công ty Điện lực Điện Biên xây dựng kế hoạch cung ứng điện hàng năm hợp lý nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, dịch vụ của người dân trên địa bàn tỉnh; xây dựng mới, cải tạo hệ thống lưới điện và các biện pháp khác nhằm giảm tổn thất điện năng; tuyên truyền vận động, hướng dẫn khách hàng sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm điện; tổ chức các hoạt động hưởng ứng tiết kiệm điện hàng năm như: Giờ Trái đất, Gia đình tiết kiệm điện ...

Các tổ chức, cơ sở sử dụng năng lượng phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến việc sử dụng năng lượng; nghiên cứu, đề xuất biện pháp quản lý các nguồn gây thất thoát, lãng phí năng lượng. Lập và triển khai thực hiện kế hoạch SDNLTK&HQ đối với phương tiện, thiết bị tiêu hao năng lượng do đơn vị quản lý theo lộ trình được phê duyệt.

Đầu tư, cải tạo phương tiện, thiết bị, công trình sử dụng năng lượng; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát sử dụng năng lượng tại đơn vị. Đối với các tổ chức, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; báo cáo định kỳ tình hình triển khai thực hiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với cấp quản lý Sở Công Thương.

Việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái là một trong các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đang được các hộ gia đình và các đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai đầu tư thời gian qua.

Cụ thể, theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng số khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà có đấu nối lên lưới điện hạ áp 0,4kV là 160 khách hàng với tổng công suất 4.451,52kWp.

D.V