Dien thoai gap: Huong toi mot tuong lai khong con “mong manh” hinh anh 1

Samsung Galaxy Z Fold 3. (Nguồn: techadvisor.com)

Dù được coi là “tương lai của các thiết bị điện tử cầm tay," các mẫu điện thoại thông minh có thể gập (foldable smartphone) hiện vẫn chưa thể trở nên phổ biến.

Ngoài việc có một mức giá đắt đỏ, một yếu tố chính khác khiến nhiều người chưa muốn sở hữu một chiếc điện thoại gập là e ngại sự "mong manh" của chúng.

Dù vậy, không hẳn là một chiếc điện thoại gập dễ hỏng hơn quá nhiều so với một chiếc điện thoại thông thường. Bằng cách nào đó, thị trường đã quen với những “chiếc máy tính mini” trị giá hơn 1.000 USD với màn hình hoàn toàn không có nắp bọc.

Các loại vỏ điện thoại và kính cường lực Gorilla Glass giúp việc giữ chúng không hỏng hóc quá nhanh, nhưng thực tế là nhiều người dùng vẫn vô tình làm xước, nứt màn hình và trong nhiều trường hợp khiến máy không thể hoạt động.

Khi công nghệ màn hình gập đang dần được trau chuốt và hoàn thiện hơn, đặc biệt là khi giá loại sản phẩm này dần “dễ thở” hơn đối với người tiêu dùng, các mẫu điện thoại gập hoàn toàn có thể trở nên phổ biến hơn. Thậm chí, nhờ ưu điểm từ thiết kế của mình, điện thoại gập có cơ sở để một ngày nào đó vượt qua độ bền của điện thoại thông minh truyền thống.

Thị trường còn non trẻ

Hiện đã xuất hiện hai loại thiết bị gập chính gồm những thiết bị có dáng như một cuốn sách, chẳng hạn như Samsung Galaxy Z Fold 3, Mate X2 của Huawei và Surface Duo của Microsoft; và những thiết bị có thể lật mở theo dáng vỏ sò như Galaxy Z Flip của Samsung và Razr của Motorola.

Các mẫu điện thoại trong số này đều có những lợi thế khá rõ ràng so với điện thoại truyền thống. Chẳng hạn như khả năng kiểm tra thông báo nhanh chóng và dễ dàng bằng màn hình nhỏ của Razr, cũng như chạy một số chức năng hạn chế của hệ điều hành Android như dòng Z Fold của Samsung.

Các thiết bị gập đã phải đón nhận nhiều ý kiến khá e dè khi mới ra mắt. Như chiếc Fold đầu tiên vấp phải sự cố khi mới trình làng vì Samsung đã không lường trước được các vấn đề cơ bản, chẳng hạn người dùng nhầm lớp bảo vệ màn hình sẵn có với tấm màng có thể tháo rời. Sự mới mẻ của công nghệ này cũng khiến nhiều người e ngại, cho rằng nó quá đắt đỏ và chỉ dành cho những người đam mê công nghệ giàu có, thích thử nghiệm cái mới.

Tuy nhiên, trong giới chuyên gia đang ngày càng xuất hiện những ý kiến cho rằng các thiết bị có thể gập lại như Z Fold và Z Flip hoàn toàn có thể là tương lai của thiết bị có độ bền cao chứ không phải là một bước lùi. Lý do cho điều này khá rõ ràng: nếu màn hình không bị lộ quá nhiều, chúng sẽ khó vỡ hơn.

“Lớp vỏ” ngày càng cứng cáp

Điều này đã được chứng minh từ những chiếc điện thoại gập cổ điển trước đây. Ngoài ra, các bài kiểm tra độ bền gần đây đối với Z Fold 3 và Z Flip 3 cũng cho thấy những thiết bị tưởng như “mong manh dễ vỡ” này có khả năng chịu va đập cùng các điều kiện môi trường bất lợi tốt hơn tưởng tượng.

Dien thoai gap: Huong toi mot tuong lai khong con “mong manh” hinh anh 2

Z Flip 3. (Nguồn: thegate.ca)

Theo kết quả bài kiểm tra hồi tháng Tám, chiếc Z Fold 3 không hề hấn gì sau lần rơi đầu tiên. Màn hình vỏ của điện thoại bị nứt trong lần thả thứ hai nhưng vẫn hoạt động đầy đủ, còn màn hình bên trong hoàn toàn không có dấu vết ảnh hưởng.

Ngay cả khi điện thoại bị rơi từ độ cao 1,5m với màn hình mở ra, tấm nền 7,6 inch của Z Fold 3 không hề bị nứt. Bản lề ẩn, mặc dù mỏng hơn các phiên bản trước vẫn hoạt động hoàn hảo ngay cả sau mười lần rơi nhờ được trang bị kính cường lực Corning Gorilla Glass Victus và một lớp màng bảo vệ mới.

Chiếc Z Flip 3 cũng ghi nhận những kết quả thử nghiệm ấn tượng tương tự. Với những cải tiến về vật liệu, Z Flip 3 có thể trải qua 200.000 lần đóng mở - tương đương với khoảng 100 lần mỗi ngày trong vòng 5 năm, mà màn hình không bị tổn hại.

Nhiều người chia sẻ rằng mỗi lần thiết bị của họ nứt màn hình là do họ đánh rơi điện thoại khi đang di chuyển chứ không phải sử dụng chúng. Còn đối với một chiếc điện thoại gập như Z Flip 3, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra khi rơi là hỏng màn hình nhỏ bên ngoài - một thứ sẽ được thay thế một cách đơn giản hơn so với màn hình bên trong.

Màn hình gập hiện còn khá dễ bị xước, nhưng chúng lại chống vỡ tốt hơn điện thoại màn hình thường. Kết hợp điều đó với thực tế là thiết kế gập lại sẽ bảo vệ màn hình chính khi không sử dụng, giới đam mê công nghệ tin rằng điện thoại gập có khả năng phát triển để trở nên bền lâu hơn so với điện thoại màn hình phẳng hiện tại.

Tương lai cho các thiết bị gập

Dù có những ưu thế nhất định, tính đến năm 2021, những chiếc điện thoại có thể gập lại như Z Flip 3 và Motorola Razr 5G vẫn "mong manh" hơn so với điện thoại thông thường. Màn hình của chúng cần phải được bảo vệ và khả năng chống thấm nước IPX8 của Z Flip 3 không ngăn chặn được mối đe dọa từ bụi.

Nhưng không khó để tưởng tượng phần cứng tiếp theo sẽ giải quyết được những vấn đề đó, đặc biệt là khi Apple và Google được đồn đoán sẽ tham gia cuộc đua trên thị trường thiết bị gập trong vài năm tới.

Khi những “ông lớn” này tham gia vào cuộc đua, thị trường hoàn toàn có thể mong chờ những sự đổi mới sáng tạo hơn nữa cho các sản phẩm này.

(Theo Vietnam+)

 

Đối phó Apple, Samsung đặt cược vào smartphone màn hình gập

Đối phó Apple, Samsung đặt cược vào smartphone màn hình gập

Samsung đang dồn tiền vào ‘canh bạc’ smartphone màn hình gập với hi vọng, thiết bị sẽ trở thành sản phẩm lớn tiếp theo.