Bản thân các cơ quan báo chí, cơ quan trung ương và địa phương đều nhất trí rằng, việc ban hành mức giá cước phát hành báo chí công ích mới là hoàn toàn hợp lý, đúng đắn và không thể không tiến hành.

Sáng nay, 2/12/2015, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư Quy định mức giá cước tối đa đối với dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí, với sự tham dự của Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Đảng ủy Trung ương, Bộ Tài chính, đại diện các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tạp chí Cộng Sản cùng nhiều địa phương. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng và Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đồng chủ trì Hội nghị.

{keywords}

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Lộc

Chia sẻ với Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng khẳng định phát hành báo chí là một nhiệm vụ quan trọng của ngành bưu điện. Sau tái cơ cấu, VNPost là đơn vị thực hiện chức năng được Đảng và Nhà nước giao phó này, với một chỉ tiêu quan trọng là phải đưa báo Đảng và các báo địa phương đến được với đông đảo người dân trên cả nước.

Ngày 24/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45, quy định về cung ứng dịch vụ công ích trong phát hành báo chí. Thủ tướng đã giao Bộ TT&TT quyết định giá cước phát hành báo chí công ích cho phù hợp với tình hình mới. Do đó, trong thời gian qua, Bộ và Tổng công ty Bưu điện VNPost đã nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng các phương án. Tới đây, Bộ sẽ phát hành Thông tư về cước phát hành báo chí mới, trên tinh thần tuân theo cơ chế thị trường, Thứ trưởng nêu rõ.

Ông Phạm Anh Tuấn, TGĐ VNPost đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc tính cước phát hành báo chí công ích hiện nay. Nguyên do là vì Quy định về cước phát hành báo chí hiện hành đã tồn tại gần 50 năm (ra đời từ năm 1968) nên đến nay đã rất lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế.

Cụ thể, mức cước cũ được xây dựng trên nguyên tắc lấy gần bù xa, ra đời khi sản lượng 100% các báo đều phát hành qua bưu điện, số lượng đầu báo ít, ít báo hàng ngày và rất ít phụ trương; trọng lượng nhẹ, ít trang, chưa quảng cáo...

Trong khi ấy, hiện tại, thành phần tham gia phát hành đa dạng hơn rất nhiều: ngoài hệ thống bưu điện còn có kênh phát hành của chính các tòa soạn báo, chưa kể nhiều tổ chức, doanh nghiệp phát hành....

"Chỉ tiêu báo Đảng phải phát hành trong ngày thực sự là một chỉ tiêu rất khó, ngặt nghèo", ông Tuấn thừa nhận. Hiện tại, lượng báo Đảng và địa phương phát hành qua VNPOst chiếm tới 80% tổng lượng báo. Trong số này, 70% báo được phát ở vùng sâu, vùng xa, chỉ có 30% phát ở đồng bằng, trung tâm. Ngược lại, 20% báo còn lại do các doanh nghiệp phát hành thì 98% tập trung ở trung tâm, thành thị, chỉ có 2% phát ở vùng sâu, vùng xa...

"Rõ ràng, việc phát hành ở vùng sâu, vùng xa đang dồn cả cho bưu điện nên chúng tôi rất khó khăn", ông Tuấn trần tình.

Theo dự thảo Thông tư quy định mức giá cước tối đa đối với dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí đang được Bộ TT&TT xây dựng, mức giá cước tối đa trong giai đoạn 2016 - 2017 áp dụng cho báo Nhân dân, QĐND và báo của Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tương đương với 50% giá thành dịch vụ; giá cước dịch vụ phát hành Tạp chí cộng sản tương đương 67% giá thành dịch vụ.

Mức giá cước tối đa đối với dịch vụ công ích trong phát hành báo chí giai đoạn 2018 - 2019 tương ứng 80% giá thành dịch vụ và đến năm 2020 thì bằng giá thành dịch vụ.

"Không còn đường lùi!"

Các đại biểu tham dự Hội nghị đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ đối với chủ trương của Chính phủ về việc điều chỉnh giá cước phát hành báo chí công ích. Ngay cả các cơ quan báo chí trực tiếp chịu tác động từ sự thay đổi này cũng nhất trí rằng, quy định hiện hành đã quá cũ, cần phải thay đổi theo thời giá hiện tại cho phù hợp với cơ chế thị trường.

{keywords}

Hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư Quy định mức giá cước tối đa đối với dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí. Ảnh: Xuân Lộc

Ông Phan Huy Hiền, Phó TBT báo Nhân Dân cám ơn Bộ TT&TT đã tạo điều kiện để các bên liên quan có thể trao đổi cởi mở, thẳng thắn về một quyết định hết sức quan trọng như thế này, cũng như cám ơn VNPost đã sát cánh cùng báo trong suốt thời gian qua. "Nếu không có bưu điện thì rất khó để đưa báo Đảng đến được với người dân mọi địa phương", ông Hiền thấu hiểu. Ghi nhận Bộ TT&TT rất có trách nhiệm trong việc tính toán mức cước mới khi đã gặp, trao đổi, thăm dò, thảo luận nhiều lần với các cơ quan báo chí trước khi xây dựng dự thảo, ông Hiền mong rằng mức độ điều chỉnh sẽ có được sự hài hòa giữa quyền lợi các cơ quan báo chí, người đọc và bưu điện để đạt được hiệu quả cao nhất.

Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Hà, Phó TBT Tạp chí Cộng Sản khẳng định, "việc thực hiện quyết định là đúng, không thể không làm". "Trước kia ta hỗ trợ, bù chéo, nay phải theo cơ chế thị trường. Việc triển khai cước mới sẽ đảm bảo cho các thành tố trong hệ thống phát hành của chúng ta hoạt động được tốt, vì thực tế hiện nay là đội ngũ bưu tá cơ sở có đời sống quá khó khăn", ông Hà nhấn mạnh. Vấn đề chỉ còn lại là triển khai như thế nào để đảm bảo rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của các Báo, Tạp chí không bị xáo trộn lớn mà thôi.

"Ta cũng nên căn cứ vào tình hình, năng lực thực tiễn của các cơ quan báo chí trong lộ trình thực hiện. Nếu gộp chung thì có phù hợp chưa, vì có cơ quan thuận, có cơ quan báo chí rất khó?", ông Hà nêu câu hỏi, dù xác nhận rằng với lộ trình mà Thông tư đề ra thì Tạp chí Cộng sản đáp ứng được.

Đại diện lãnh đạo Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu nhấn mạnh rằng, việc thay đổi giá cước phát hành đã rất cấp bách và "giờ mới điều chỉnh còn là hơi chậm". Hoàn toàn đồng tình với dự thảo Thông tư, ông Sơn cho biết hiện mới có gần 40% xã, phường ở Lai Châu nhận được báo phát trong ngày. Nếu không điều chỉnh cước để bưu điện có thể tăng cường chất lượng dịch vụ phát hành, nhiều xã, phường sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi trong việc tiếp cận thông tin của Đảng và Nhà nước.

Trước một vài ý kiến đề xuất về việc có thể lùi hơn nữa thời điểm triển khai Thông tư hay không, vì năm 2016 đã cận kề và nhiều địa phương có thể khó xin bổ sung kinh phí, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, "việc thực hiện không thể lùi hơn nữa".

Quan điểm này nhận được sự đồng thuận cao từ ông Dương Minh Sơn, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng. "Bưu điện đã rất cố gắng suốt những năm qua, nhưng đúng là không thể cứ cố mãi được với giá thành thấp như vậy. Ta phải thay đổi theo sát giá thị trường vì phát hành báo chí công ích là nhiệm vụ chính trị của ngành bưu điện, chứ không phải vì tính kinh tế".

Khẳng định cơ sở pháp lý của việc điều chỉnh giá cước phát hành báo chí công ích đã đầy đủ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính nhấn mạnh, lộ trình 3 giai đoạn mà dự thảo Thông tư đưa ra là phù hợp, khả thi để triển khai. Ông Tuấn đề nghị Bộ TT&TT sớm cho Cục tiếp cận xác định giá thành chi phí của dịch vụ để có thể tham mưu liên Bộ về mức chi phí thực tế trong triển khai.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng tái khẳng định mức giá cước mà Thông tư đưa ra chỉ là mức tối đa, còn thực hiện sẽ có lộ trình chi tiết. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ xét đến đặc thù của từng địa phương để có những điều chỉnh nhất định cho phù hợp.

"Đồng hành cùng các cơ quan báo chí là nhiệm vụ chính trị của Bộ TT&TT, của bưu điện. Chúng tôi cam kết sau khi điều chỉnh cước phát hành sẽ chú trọng chất lượng dịch vụ hơn nữa , theo đúng những tiêu chuẩn, tiêu chí đã đề ra", Thứ trưởng cho biết.

Lộ trình điều chỉnh đề xuất của VNPost:

- Giai đoạn 2016 - 2017:

Quý I/2016: Bộ TT&TT ban hành Thông tư quy định giá cước tối đa dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí. Dự kiến Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/4/2016.

Quý II (áp dụng từ 1/4-31/12/2016): Giá cước dịch vụ phát hành báo Nhân dân, QĐND và báo Đảng địa phương tương đương 70% giá cước tối đa quy định tại Thông tư; Giá cước dịch vụ phát hành Tạp chí Cộng sản tương đương 100% giá cước tối đa.

Tháng 1/2017: Giá cước phát hành báo và tạp chí công ích bằng 100% giá cước tối đa quy định tại Thông tư của Bộ TT&TT.

  • T. Cầm