Triển khai tốt ứng dụng CNTT và Quyết định 45 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích có vai trò rất quan trọng, giúp điều hành trên địa bàn An Giang hiệu quả hơn, công khai minh bạch (Ảnh minh họa: tuyengiaoangiang.vn)

An Giang là một tỉnh biên giới còn khó khăn, song theo đánh giá của thường trực Tổ công tác giúp việc cho Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, đây là một trong những địa phương triển khai khá tốt việc xây dựng chính quyền điện tử, đưa CNTT trở thành công cụ hữu hiệu hỗ trợ cải cách hành chính.

Quá trình ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử tại An Giang những năm qua đã thu được kết quả tích cực. Tính đến cuối năm ngoái, tỷ lệ gửi nhận văn bản điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 97%, cao hơn 10,5% so với tỷ lệ chung của các bộ, ngành, địa phương.

Cũng trong năm 2019, An Giang đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 45%; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 34%. Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trực tuyến mức độ 3 đạt 41,5% và mức độ 4 là 75,8%.

Thống kê cho thấy, tỉ lệ thủ tục hành chính của An Giang đã triển khai có phát sinh hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích đạt tới 81,2%; Tỉ lệ giữa số hồ sơ đã tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích so với tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trong năm 2019 của các thủ tục hành chính 20,1%; Tỉ lệ giữa số hồ sơ đã được trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích so với tổng số hồ sơ đã trả kết quả giải quyết trong năm đạt 40,6%.

Cùng với đó, Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa của An Giang đã được kết nối với các hệ thống chuyên ngành của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và dữ liệu chuyên ngành của tỉnh thông qua Trục liên thông của tỉnh.

Trong chia sẻ tại hội nghị trực tuyến của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo quốc gia về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành địa phương mới đây, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh nhận thấy việc ứng dụng CNTT và Quyết định 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ BCCI (Quyết định 45) có vai trò rất quan trọng giúp công tác cải cách hành chính, điều hành trên địa bàn An Giang hiệu quả hơn, công khai minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

Nói rõ hơn về kinh nghiệm của An Giang, vị đại diện UBND tỉnh này cho biết, để phát huy hiệu quả các phần mềm ứng dụng và tạo điều kiện thuận lợi trong kết nối liên thông hệ thống, An Giang đang triển khai mô hình dùng chung các hệ thống ứng dụng nền tảng và các hệ thống phần mềm ứng dụng có tính chất, tính năng giống nhau tại nhiều cơ quan, đơn vị như: Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống phần mềm một cửa điện tử; Phần mềm quản lý văn bản chỉ đạo điều hành; Cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý hộ kinh doanh cá thể, phần mềm quản lý khám chữa bệnh…

“Với mô hình triển khai dùng chung, hệ thống đảm bảo tính liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian”, đại diện UBND tỉnh An Giang cho hay.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, An Giang là một trong những địa phương triển khai sớm việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính gắn với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Ngay từ năm 2012, UBND tỉnh đã ra Quyết định 42 ban hành Quy chế tiếp nhận hồ sơ qua cổng thông tin điện tử, tiếp nhận hồ sơ hoặc trả kết quả giải quyết TTHC bằng dịch vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo đó, nhiều sở, ngành và UBND huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh và doanh nghiệp bưu chính để triển khai. Kết quả triển khai Quyết định 42 của UBND tỉnh đạt 650.000 kết quả nhận và trả kết quả giải quyết TTHC.

“Việc triển khai Quyết định 42 của UBND tỉnh có nhiều điểm tương đồng với Quyết định 45 của Thủ tướng Chính phủ, do đó khi Quyết định 45 được ban hành, tỉnh An Giang đã không gặp trở ngại trong khâu triển khai, tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương đã ký thoả thuận với Bưu điện tỉnh để chuyển giao Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả về Bưu điện như UBND các huyện An Phú, Tịnh Biên, Phú Tân, Tri Tôn và thị xã Tân Châu”, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh An Giang chia sẻ thêm.