Mưa bão trong năm 2015 khiến cho hạ tầng mạng lưới của các doanh nghiệp trong ngành bị thiệt hại, hư hỏng nhiều, với mức thiệt hại lên đến gần 13 tỷ đồng.

Con số này được Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã công bố tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2016 của Bộ TT&TT sáng nay, 7/6. Trong đó, tổng thiệt hại trực tiếp do thiên tai gây ra đối với mạng lưới viễn thông của Tập đoàn VNPT vào khoảng 8,7 tỷ đồng; VietnamPost là 3,16 tỷ đồng; Bão lũ cũng gây thiệt hại về tài sản và hạ tầng mạng lưới dịch vụ của Viettel khoảng 865 triệu đồng.

{keywords}
Thứ trưởng Phan Tâm chủ trì Hội nghị. Ảnh: T.Hương

Bước sang năm 2016, để hạn chế thiệt hại, tổn thất từ thiên tai, Ban chỉ huy sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị, DN thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả".

Theo quyết định kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN của Bộ năm nay do Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ký, Ban chỉ huy có 19 thành viên, đến từ các đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp trong ngành. Thứ trưởng Phan Tâm là Trưởng ban Chỉ huy.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá công tác PCTT&TKCN trong lĩnh vực TT&TT ngày càng có tiến bộ, hiệu quả, thiết thực, đóng góp cho kết quả của Ban PCTT&TKCN Trung ương. Hệ thống Thông tin liên lạc chuyên dùng và công cộng cơ bản đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Mạng lưới của các doanh nghiệp cũng luôn được nâng cấp kịp thời trước mùa mưa bão. Các kênh truyền thông như VTV, VTC14 đã thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền thiết thực để người dân chủ động ứng phó thiên tai...

Tuy vậy, với tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường như hiện nay, ông Tâm lưu ý rằng các phương án triển khai vẫn còn sự bị động, đầu tư cho tuyên truyền còn hạn chế. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị bám sát chỉ đạo, thường xuyên cập nhật phương án, kịch bản để ứng phó kịp thời với các tình huống. Ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp đẩy mạnh ngầm hóa, kiên cố hóa mạng lưới, đầu tư cho các nguồn dự phòng. 

Riêng đầu số 112 sẽ được sử dụng chung để phục vụ tiếp nhận thông tin về các tình huống tìm kiếm cứu nạn, yêu cầu cứu nạn trên phạm vi toàn quốc.

Ngoài ra, trong năm nay, Ban chỉ huy sẽ thực hiện kiểm tra công tác PCTT&TKCN tại các tỉnh: Gia Lai, Kontum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng nhằm kiểm tra công tác xây dựng, triển khai thực hiện các phương án PCTT&TKCN tại các địa phương, đảm bảo thông tin liên lạc trong công tác PCTT&TKCN trong mùa mưa bão.

T.C