- Sáng 21/12, tại Hà Nội, Hội thảo Internet Day 2016 lần thứ 5 do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức đã chính thức khai mạc với chủ đề “Sự đóng góp của nội dung số cho nền kinh tế Internet”.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại hội thảo Internet Day 2016.

Phát biểu khai mạc tại Internet Day 2016, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chia sẻ: “Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp nội dung số, nhưng kết quả hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Để tận dụng được lợi thế của Việt Nam trong nền kinh tế số, tôi xin nêu ra một số vấn đề trước mắt mà ngành nội dung số Việt Nam cần giải quyết:

Tại Việt Nam, doanh nghiệp nào là người biết rõ về sở thích, độ tuổi của người dùng rõ nhất? VNG, VC Corp hay FPT? Chính Google, Facebook mới là người hiểu rõ điều này hơn ai hết. Do đó, thay vì cạnh tranh với chính các DN nội dung số nhỏ lẻ, các nhà mạng hãy xây dựng một thị trường cạnh tranh lớn trên nền tảng của mình, điều này sẽ mang đến cơ hội phát triển bền vững, sẵn sàng bước chân vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.”

“Đối với các doanh nghiệp nội dung số đứng đầu thị trường, các bạn không nên tự hài lòng mà phải không ngừng đổi mới sáng tạo, phải chuẩn bị sẵn sàng hành trang tiến bước ra khu vực và quốc tế. Viettel là một DN viễn thông lớn đã có thành tựu đáng kể khi đầu tư ra nước ngoài, VNG với Zalo – một sản phẩm OTT đứng đầu thị trường Việt Nam đã có được 2 triệu người dùng đầu tiên ở Myanmar, ngoài ra còn một số doanh nghiệp cũng đã có tiếng tăm trên thế giới trong những lĩnh vực hẹp khác”, Thứ trưởng chia sẻ.

“Với các CEO, Founder của các doanh nghiệp nội dung số đi tiên phong, hãy xác định việc giữ lửa, truyền năng lượng cho thế hệ kế tiếp tại Việt Nam là sứ mệnh của mình. Hãy bắt đầu ngay, chuẩn bị thế hệ kế tiếp cho doanh nghiệp các bạn cũng chính là chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp của ngành nội dung số VN.”

Thứ trưởng Hưng nhấn mạnh: “Về phần mình, đến với hội thảo ngày hôm nay, Bộ TT&TT mong muốn được nghe các doanh nghiệp chia sẻ các nhận định của mình và đưa ra các kiến nghị về những rào cản pháp lý, những thách thức mà doanh nghiệp nội dung số phải đương đầu. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục nỗ lực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi trong cơ chế chính sách để tạo môi tường bình đẳng trong cạnh tranh, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.”

Năm 2020, 60% dân số Việt Nam sẽ dùng smartphone

Cũng tại hội thảo Internet Day 2016, Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh đã trình bày tham luận ”Vietnam Internet trends 2016”, nhận định xu hướng số hóa tại Việt Nam ngày càng mở rộng, từ thương mại đến vận chuyển, giáo dục, sức khỏe… Các sản phẩm nội dung, công cụ tìm kiếm và hạ tầng truy cập cũng ngày càng phát triển.

{keywords}
Ông Lê Hồng Minh trình bày tham luận "xu hướng Internet tại Việt Nam năm 2016".

Ông Minh cho biết: “Từ năm 2010, tỉ lệ người sử dụng Internet tại VN tăng nhanh và xu hướng truy cập Internet qua mobile tăng mạnh hơn PC. Ước tính đến năm 2020, tỉ lệ người sử dụng smartphone tăng gấp 30 lần so với năm 2010, chiếm 60% dân số.”

“Người dùng Internet cũng sẽ trẻ hơn và năng động hơn. Mức độ thâm nhập của Internet và smartphone tại Việt Nam theo độ tuổi năm 2016 ở độ tuổi 18-34 đạt mức cao nhất: Mức độ thâm nhập Internet là 88% và sử dụng smartphone là 70%. - Ước tính năm 2020 có 60 triệu người dùng smartphone, 15 triệu người dùng PC. Với mức độ sử dụng Internet mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa cao độ và thời lượng sử dụng 2-3 giờ/ngày thì cơ hội thị trường Mobile Internet sẽ tăng từ 40 ~ 100 lần”, ông Minh chia sẻ.

Đánh giá về hành vi của người dùng Internet tại Việt Nam trong một tham luận khác, đại diện Google chia sẻ  năm 2016 đã có sự chuyển đổi lớn từ trạng thái mọi hoạt động mua bán đều diễn ra ở cửa hàng sang xu hướng Internet mang khách tới cửa hàng. Chiếm tới 43% thị trường quảng cáo, Internet hiện là nguồn thông tin quảng cáo phổ biến nhất để khách hàng biết đến sản phẩm.

Đại diện Google cũng cho biết hiện có 73% khách hàng tại Việt Nam có thói quen tìm hiểu thông tin trên Internet trước khi mua hàng và 93% trong số này sử dụng công cụ tìm kiếm trực tuyến để tìm hiểu về sản phẩm. Số lượng người sử dụng thiết bị di động cũng cao gấp đôi so với người dùng máy tính.

{keywords}
Các quan khách thăm quan triển lãm Internet Day 2016.

Ngoài Mobile Internet, các diễn giả tại hội thảo cũng nhấn mạnh tới xu thế Internet vạn vật (IoT) và Thành phố thông minh (Smart City), nơi mọi thứ từ đèn đường tới thùng rác đều có thể kết nối Internet. Tuy nhiên, IoT cũng sẽ tiềm ẩn những nguy cơ về bảo mật và an toàn thông tin, nơi các thiết bị đều có thể bị xâm nhập và chiếm quyền điều khiển từ xa.

Chia sẻ về nguy cơ an toàn thông tin trong kỷ nguyên IoT, ông Jong Hyun Park, Tổng Giám đốc DASAN Zhone Solutions Việt Nam, nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc kỹ lưỡng trong mọi quyết định đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vì nó sẽ ảnh hưởng đến an toàn thông tin của doanh nghiệp, khách hàng và xa hơn nữa là an ninh quốc gia. Ngày nay, các cuộc tấn công mạng đã thay đổi từ lượng sang chất, và được cung cấp như một dịch vụ xuyên quốc gia. Bảo mật không còn là một tiêu chí để lựa chọn, và càng không phải là vấn đề cần cân nhắc trong mỗi quyết định đầu tư vì đã là cấu phần không thể thiếu trong hệ thống hạ tầng và dịch vụ.”

Diễn ra trong 1 ngày 21/12 tại KS Sheraton, Hà Nội, Hội thảo và Triển lãm Internet Day 2016 đã thu hút sự tham gia của hơn 500 khách tham dự, gồm đại diện Bộ TT&TT, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công thương, cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước như Google, VNG, Qualcomm, Viettel, MobiFone, VNPT, FPT, CMC, NetNam, Z.com, ... đến chia sẻ, thảo luận về ngành Nội dung số Việt Nam.

H.P.