Mới đây, UBND thành phố Cần Thơ phối hợp với Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng cũng đưa tin về sự kiện này.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các nội dung về xây dựng chính quyền số như: bộ giải pháp chính phủ số nền tảng - sự cần thiết để xây dựng đô thị thông minh; thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ đổi mới hướng tới thành phố thông minh và bền vững; nền tảng dữ liệu để xây dựng chính quyền số và quản lý đô thị thông minh; các giải pháp về xây dựng đô thị thông minh - xã hội thông minh.

Bên cạnh đó là các đề tài như: Ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất nông nghiệp - cơ hội tăng trưởng giá trị nông nghiệp trong tình hình mới; giải pháp khắc phục các vấn đề về nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và an ninh dịch tễ; hạ tầng số, dữ liệu số sự cần thiết chuyển đổi số cho đô thị thông minh; hệ thống quản lý giao thông thông minh quốc gia; phương pháp và công cụ phù hợp đột phá để triển khai đô thị thông minh.

Ảnh minh họa: Anh Hào.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển nhận thấy trong thời gian tới, thành phố cần phải có những nỗ lực và bứt phá mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên công nghệ số, xứng tầm với vai trò trung tâm dẫn dắt của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Dương Tấn Hiển, để đi nhanh, hiệu quả và bền vững, Cần Thơ cần sự chung tay phối hợp của các ngành, các cấp và đặc biệt là sự tham gia của người dân, sự đóng góp của các Viện, trường, tổ chức nghiên cứu, các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ số trong quá trình xây dựng đô thị thông minh và công cuộc chuyển đổi số của thành phố trong thời gian tới.

Để tổ chức triển khai thực hiện Đề án đô thị thông minh, Cần Thơ đã bước đầu thí điểm triển khai Trung tâm điều hành đô thị thông minh và 8 dịch vụ đô thị thông minh; một số quận, huyện đã thực hiện các Trung tâm điều hành giám sát giao thông, an ninh trật tự; một số ngành đang thực hiện các thủ tục triển khai về hạ tầng và nền tảng đô thị thông minh, giao thông thông minh, an ninh trật tự, y tế, giáo dục thông minh,…

Việc tổ chức hội thảo khoa học nêu trên là cơ hội để các ngành, địa phương của thành phố lắng nghe ý kiến tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ số và các giải pháp, công nghệ mới để áp dụng vào thực tế phát triển đô thị thông minh thành phố Cần Thơ.

Anh Hào