Đến tháng 12/2018 có 69.255 đơn vị sử dụng phần mềm giao dịch điện tử do cơ quan BHXH cung cấp miễn phí. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo nguồn tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, mới đây, Cổng thông tin điện tử Chính phủ nhận được phản ánh của Công ty Cổ phần CONECO Miền Trung về việc doanh nghiệp này liên hệ với cơ quan quản lý BHXH địa phương thì được thông báo: nếu đơn vị lựa chọn giao dịch điện tử qua Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam thì có thể bị lỗi không gửi được hồ sơ, nếu gửi được thì một thời gian sau có thể bị khoá... và có những giải thích mang ý nghĩa là những lỗi đó cơ quan BHXH không có thời gian để khắc phục.

Và cơ quan BHXH địa phương cũng gợi ý là phải chọn những tổ chức I-VAN để được cung cấp dịch vụ phần mềm và phải trả phí.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp của Chính phủ, Công ty Cổ phần CONECO Miền Trung đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, ứng dụng giao dịch điện tử qua Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam có nhiều bất cập như trên tại sao vẫn sử dụng và gây lãng phí cho doanh nghiệp (cách nộp truyền thống của người sử dụng lao động trước đây: lập và in bản giấy, liện hệ bưu điện đến nhận trực tiếp... đơn giản, nhanh gọn)?

Ngoài ra, tổ chức I-VAN đóng vai trò gì trong bộ máy quản lý của BHXH Việt Nam? Tại sao trước đây các đơn vị sử dụng lao động vẫn giao dịch điện tử qua Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam bình thường nhưng bây giờ lại khó khăn?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau: Theo Khoản 6, Điều 3 Nghị định số 166/2016: “Dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH (sau đây gọi là dịch vụ I-VAN) là dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ, phục hồi thông điệp dữ liệu giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và cơ quan BHXH để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử”.

Nghị định 166/2016 quy định: “Tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin được BHXH Việt Nam ký hợp đồng cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH”.

Hiện nay, Cổng thông tin của ngành BHXH đang chấp nhận giao dịch đúng theo Nghị đinh 166/2016 “cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH được lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử trực tiếp qua Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam hoặc thông qua Tổ chức I-VAN theo quy định của Nghị định này”.

Theo số liệu thống kê trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, đến tháng 12/2018 có 69.255 đơn vị sử dụng phần mềm giao dịch điện tử do cơ quan BHXH cung cấp miễn phí trên tổng số 409.782 đơn vị đang thường xuyên giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, chiếm khoảng 17%.

Từ con số này cho thấy việc giao dịch điện tử trực tiếp thông qua Cổng thông tin điện tử của ngành BHXH không hề khó khăn như phản ánh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, cơ quan BHXH liên tục triển khai bổ sung rất nhiều thủ tục có thể giao dịch điện tử, do vậy có thể trong qua trình bổ sung nâng cấp và điều chỉnh phần mềm đã phát sinh ra lỗi kỹ thuật ảnh hưởng đến việc nộp hồ sơ trên Cổng giao dịch điện tử của Công ty CP CONECO Miền Trung, dẫn đến sự hiểu lầm không đáng có này.

Thông qua phản ánh của Công ty Cổ phần CONECO Miền Trung, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh Hà Tĩnh làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể đã thông tin không chính xác về hệ thống giao dịch của ngành tới công ty.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đã triển khai Trung tâm chăm sóc khách hàng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khi có vướng mắc, trong trường hợp cần hỗ trợ doanh nghiệp có thể liên hệ qua số 1900969668 để được hướng dẫn kịp thời.